Philippines: Tàu Trung Quốc đã quay lại bãi cạn Scarborough
Tờ Inquirer (Philippines) cho hay hôm 8/7, Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận rằng ít nhất 2 tàu hải giám Trung Quốc đã quay trở lại bãi cạn Scarborough.
“Hôm qua, chúng tôi nhận được báo cáo của Hải quân Philippines rằng các tàu Trung Quốc đã quay trở lại bãi cạn Panatag (Scarborough). Như vậy là họ chỉ tạm thời rút đi chứ không có ý định rời hẳn khỏi khu vực đó”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez. |
Ông Hernandez cho hay đã từ lâu các tàu Trung Quốc vẫn thường đi ra đi vào khu vực bãi cạn.
“Họ đã xâm nhập khu vực đó được một thời gian và thông tin rằng tàu Trung Quốc rời đi rồi quay trở lại bãi cạn không có gì mới mẻ”, ông nói.
Bãi cạn Scarborough là khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền còn Trung Quốc thì khẳng định thuộc về mình theo cái mà nước này gọi là “Bản đồ 9 đoạn”.
Bãi cạn giàu tài nguyên thiên nhiên này là nơi xảy ra cuộc đối đầu hải quân giữa Philippines và Trung Quốc hồi tháng 4/2012.
Ông Hernandez tái khẳng định chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn này và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng biên giới trên biển đã được tạo dựng.
“Quan điểm của chúng tôi là bãi cạn này là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Philippines và Trung Quốc nên tôn trọng quyền hàng hải của chúng tôi ở khu vực đó”, ông Hernandez phát biểu.
Hiện Philippines vẫn tiếp tục phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại khu vực này.
Ngoài Scarborough, được biết Trung Quốc cũng điều một đội tàu tới gần bãi cạn Ayungin, khu vực mà Philippines cũng khẳng định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Ông Hernandez cho hay các tàu Trung Quốc được cho là cũng “đi ra đi vào khu vực này”.
Philippines đã đệ đơn lên Tòa án Liên Hợp Quốc mong tìm ra giải pháp khiến Trung Quốc ngừng xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của mình đồng thời vô hiệu hóa “Bản đồ 9 đoạn”.
Trung Quốc từ chối tham gia vào vụ kiện nhưng Tòa án Liên Hợp Quốc vẫn tiến hành qui trình pháp lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng tiếp tục mời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến thăm Manila để “bàn bạc” về tranh chấp chủ quyền sau khi hai ông có cuộc trao đổi khá căng thẳng tại diễn đàn an ninh khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Brunei.
Hiện Bộ Ngoại giao Philippines vẫn đang chờ phản hồi chính thức của Trung Quốc về lời mời này.
Trung Quốc đã đồng ý tham gia vào các cuộc đàm phán ban đầu với ASEAN về vấn đề Bộ qui tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, văn bản có tính ràng buộc pháp lý nhằm ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia tranh chấp.
Ngoài Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích vùng biển này.