Philippines sẽ dùng máy bay Mỹ "soi" Trung Quốc ở biển Đông
Philippines sẽ dùng máy bay Mỹ "soi" Trung Quốc ở biển Đông
Philippines và Mỹ sẽ tập trận chung vào đầu tuần tới
Tàu Trung Quốc luân phiên ra bãi cạn Scarborough
Philippines: "Trung Quốc đã rút hết tàu ra khỏi bãi cạn Scarborough"
Tổng thống Philippines Aquino và Tổng thống Mỹ Obama gặp nhau hồi tháng 11 năm 2011. |
Hai quốc gia chỉ vừa bước ra khỏi cuộc chạm trán kéo dài 2 tháng tại bãi cạn Scarborough, một mỏm đá hình móng ngựa gần bờ biển Philippines.
Mặc dù tuyên bố trung lập trong cuộc tranh chấp này, Mỹ đã đề nghị giúp Philippines cải thiện lực lượng quân đội yếu kém của nước này. Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói, Philippines không có máy bay có chức năng do thám, do đó đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ việc này. Hiện phía Mỹ chưa có bình luận gì về việc này.
Tháng trước, ông Aquino đã rút một chiếc tàu hải giám có vũ trang hạng nhẹ và một tàu đánh cá do thời tiết xung quanh bãi cạn xấu đi.
Biển Đông có khả năng sẽ trở thành điểm nóng quân sự lớn nhất tại châu Á và căng thẳng đã leo thang kể từ năm ngoái khi Hoa Kỳ đề ra chính sách tăng cường sự ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Nguồn gốc của các tranh chấp có lẽ chính là trữ lượng dầu và khí lớn của vùng biển này.
Một số quốc gia trong khu vực đều tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này nhưng riêng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên phần lớn biển Đông.
Phillippines đã tìm đến đồng minh lâu năm Washington để có tàu, máy bay, các thiết bị trinh sát và khí tài khác trong lúc Hoa Kỳ tái tập trung lực lượng quân sự của mình vào châu Á. Nước này đã đề xuất cho Mỹ sử dụng các sân bay cũng như các cơ sở quân sự khác để đổi lấy các thiết bị quân sự và các khóa đào tạo.
“Philippines đã nhiều lần thể hiện mong muốn duy trì hòa bình và tránh leo thang tình hình nhưng chúng tôi không phải đang sống một mình. Chúng tôi muốn thấy phía Trung Quốc trả lời bằng những hành động xoa dịu căng thẳng tương tự như chúng tôi thể hiện vừa qua”.
Cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải là tâm điểm của cuộc gặp giữa ông Aquino và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington hồi tháng trước. Tháng 8 năm ngoái, quân đoàn Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã lần đầu tiên đề nghị triển khai các máy bay gián điệp P3C Orion đến Philippines để giúp giám sát vùng biển tranh chấp ở Biển Đông sau khi Trung Quốc gia tăng hiện diện và các hoạt động tại Bãi Cỏ Rong gần Philippines.
Lầu Năm Góc đã đề nghị sẽ chia sẻ dữ liệu thông tin trinh sát thu thập và truyền trực tiếp cho Philippines đồng thời tiếp cận nhiều hơn các sân bay quân sự tại quốc gia Đông Nam Á một thời là thuộc địa của Hoa Kỳ này.
Bất chấp tuyên bố trung lập về tranh chấp biển Đông, việc Hoa Kỳ đặt “trọng tâm” quân sự trở lại vào châu Á được nhìn nhận rộng rãi là để đối phó với khả năng quân sự ngày càng tăng lên của Trung Quốc.
Ông Aquino cũng tuyên bố Trung Quốc không nên thấy bất an khi Philippines tìm cách cải thiện năng lực giám sát của mình.
“Philippines có năng lực để trở thành một kẻ xâm lược sao? Với trí tưởng tượng cao xa nhất thì Philippines sẽ không trở thành như vậy. Vì vậy nếu chúng tôi hành động hợp lý thì sao điều đó phải khiến một siêu cường tức giận?”, ông Aquino nói.
Lê Dung