Philippines kiên định “vác tráp” đi kiện Trung Quốc
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đưa ra bình luận trên trước khi diễn đàn “Quản lý Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực khác” diễn ra ở Hiệp hội Báo chí Brussels tại Brussels vào hôm thứ Ba (10/7) vừa qua. Ông cũng cho biết vụ kiện lên trọng tài Tòa án quốc tế không mâu thuẫn với tiến trình thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vì đó là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. |
Ông del Rosario cho biết Philippines đã thực hiện một số nỗ lực một cách hòa bình để cùng với Trung Quốc giải quyết tranh chấp, nhưng đã không thành công. Ông lưu ý rằng việc giải quyết dựa trên luật lệ và quản lý tranh chấp ở Biển Đông bao gồm hai yếu tố: trọng tài bên thứ ba có thể giải quyết các khiếu nại hàng hải, phù hợp với các nguyên tắc công nhận của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, và những kết luận ban đầu trong tiến trình thỏa thuận COC giữa ASEAN và Trung Quốc.
ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Brunei vào tháng trước rằng sẽ bắt đầu tham vấn chính thức về COC để quản lý tranh chấp trên Biển Đông. Các cuộc tham vấn sẽ được tổ chức tại Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) ASEAN- Trung Quốc trong tháng này ở Bắc Kinh.
Ông Del Rosario cho biết, quy tắc trọng tài theo Phụ lục VII và Phần XV của UNCLOS được coi là một cách hòa bình và bền vững trong việc giải quyết tranh chấp hàng hải.
Các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, thông qua hội đồng phân giải chung với tỷ lệ phiếu đồng ý trên không đồng ý là 37/10, cũng đã tuyên bố rằng việc tìm kiếm hội đồng trọng tài phân xử không phải là một hành động không thiện chí.
"Đáng tiếc là mặc dù đã có một vài lời mời, Trung Quốc vẫn từ chối tham gia với chúng tôi trong nỗ lực hòa bình này", ông Del Rosario nói về việc Trung Quốc đã không góp mặt vào diễn đàn về vấn đề Biển Đông ở Brussels.
Ông cũng cho biết yêu cầu giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương của Trung Quốc là không đúng bởi vì có ít nhất 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền với các khu vực khác nhau của Biển Đông, “và vì vậy chúng tôi tin rằng một cách tiếp cận đa phương là cách giải quyết tốt nhất”.
Trong khi COC vẫn đang được đàm phán, ông del Rosario cho biết một bước trung gian sẽ được thực hiện đầy đủ và hiệu quả theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi trên toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là vấn đề cốt lõi của tranh chấp và yêu cầu quá mức của nó là vi phạm luật pháp quốc tế.
Bãi Cỏ Mây - điểm tranh chấp mới giữa Philippines và Trung Quốc, sau khi Manila đã bị mất bãi cạn Scarborough vào tay Bắc Kinh. |
"Chúng tôi không nghĩ rằng họ [Trung Quốc] đã thay đổi. Chúng tôi không nghĩ rằng có sự khác biệt trong tư tưởng giữa các chính phủ trước đây và chính phủ hiện nay của Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi cho rằng thách thức vẫn giữ nguyên và do đó chúng tôi đang cố gắng để đưa ra phản ứng bằng cách tìm kiếm các biện pháp hòa bình để cố gắng giải quyết tranh chấp này", Ngoại trưởng Philippines bình luận.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã thừa nhận quyết định của Philippines để giải quyết vấn đề lãnh thổ trên biển một cách hòa bình và trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế là con đường đúng đắn.
Trong một động thái song song với vụ kiện, Philippines đã cho triển khai lực lượng quân sự ở Bãi Cỏ Mây (nằm trong Quần đảo Trường Sa), cho biết họ sẽ không bao giờ từ bỏ bãi cạn này và sẽ tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ bất chấp sự hiện diện liên tục có tính chất đe dọa của các tàu Trung Quốc trong khu vực.
“Hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ không rời khỏi Bãi Cỏ Mây”, Rustico Guerrero – Trung tướng chỉ huy Tư lệnh miền Tây (Wescom) cho biết vào ngày 11/7, sau một cuộc họp đánh giá an ninh giữa năm của các chỉ huy quân sự tại Trại Aguinaldo.
Ông Gurrero cho biết Wescom luôn theo dõi liên tục sự hiện diện của các tàu Trung Quốc quanh khu vực Bãi Cỏ Mây, nơi Trung Quốc đang tuyên bố như là một phần thuộc chủ quyền biển của họ.