Philippines đưa Trung Quốc ra Tòa án Liên Hợp Quốc
Phát biểu trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết: “Philippines đã gần như “dốc hết sức lực” về mặt chính trị và ngoại giao để giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền hàng hải với Trung Quốc một cách hòa bình. Chúng tôi hi vọng rằng các qui trình pháp lý sẽ đem lại giải pháp lâu dài cho cuộc tranh chấp này”.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. |
Ông Del Rosario cho biết vào khoảng 1 giờ chiều hôm nay (giờ Philippines), chính phủ nước này đã gửi tới Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh một thông báo chi tiết “phủ nhận trước Tòa án giá trị pháp lý của tuyên bố của Trung Quốc về đường 9 đoạn chiếm gần như toàn bộ Biển Đông và bác bỏ các hành động trái pháp luật vi phạm chủ quyền và quyền hạn của Philippines theo Hiến chương Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)”.
“Chúng tôi hi vọng rằng Trung Quốc sẽ tham gia với chúng tôi”, ông nói.
Đệ trình cũng đề nghị Trung Quốc “ngừng những hành động trái pháp luật xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS 1982”.
Trung Quốc và Philippines đang mắc kẹt trong một cuộc tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough và một số đảo trên Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên năng lượng và hải sản.
Trong năm 2012, Trung Quốc đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm khẳng định chủ quyền của nước này trên Biển Đông như thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đơn vị đồn trú cho thành phố này. Vừa qua, Trung Quốc còn in bản đồ mới cho hộ chiếu của nước này với bản đồ “đường 9 đoạn” chiếm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Ngoài ra cũng có tin Trung Quốc đã in ấn và sắp phát hành bản đồ mới bao gồm các đảo và bãi cạn, bãi đá mà nước này đang tranh chấp với Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam... trên Biển Đông.
Tất cả những động thái trên của Trung Quốc đều bị Philippines phản đối và khiến các nước trong khu vực lo ngại về tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông.
Để đối phó với lối hành xử ngày càng quyết liệt của Trung Quốc về Biển Đông, Philipines đã tăng cường đầu tư năng cao năng lực quốc phòng, đặc biệt là năng lực hải quân. Quốc gia Đông Nam Á này đã tăng cường mối quan hệ với các cường quốc như Hoa Kỳ và Nhật Bản đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng để mua sắm vũ khí mới.