Phe ly khai ra 'tối hậu thư" yêu cầu Ukraine ngừng bắn
Hôm Chủ Nhật (1/2), tại cuộc đàm phán hòa bình Minsk, đại diện của nước Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) đã yêu cầu Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko ban hành một lệnh ngừng bắn chính thức cho các lực lượng Kiev.
Đại diện của nước Cộng hoà Nhân dân tự xưng DoneskDenis Pushilin trả lời phỏng vấn báo giới |
Trong một tuyên bố chung, đại diện của DPR Denis Pushilin và đại diện của LPR Vladislav Deinego lên tiếng: "Việc ngừng bắn phải được xác nhận bằng chỉ thị chính thức của Tổng thống Poroshnko ban hành cho lực lượng quân đội Ukraine và vệ binh quốc gia ... Đồng thời, chỉ thị này này phải được công bố trên trang web chính thức của Tổng thống Ukraine".
Các nhà đàm phán cũng cho hay, việc Kiev ngay lập tức thực hiện lệnh ngừng bắn là "điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất" để tiếp tục các cuộc đàm phán.
Hôm thứ Bảy (31/1), các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đã tổ chức một vòng đàm phán hoà bình mới tại Minsk, thủ đô của Belarus.
Đại diện của DPR và LPR, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, Đại sứ Nga ở Ukraine Mikhail Zurabov và đặc phái viên của OSCE Heidi Tagliavini đã nhóm họp nhưng các bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Kiev và đại diện của các nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng ly đổ lỗi cho nhau trước thất bại của cuộc đàm phán hoà bình này. Đại diện của Kiev, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma đã lên tiếng cáo buộc sự vắng mặt của lãnh đạo phe ly khai là nguyên nhân khiến cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt. Đáp lại, hai đại diện của phe ly khai, ông Pushilin và Deinego lưu ý rằng ông Kuchma thậm chí còn không được chính thức bổ nhiệm là đại diện của Ukraine tại các cuộc đàm phán.
Kiev và lãnh đạo phe ly khai đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn Minsk vào ngày 5/9/2014. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, cuộc đối đầu giữa các bên tham chiến ngày càng trở nên trầm trọng. Thời điểm này được Liên Hiệp Quốc coi là "tình trạng tồi tệ nhất" kể từ khi lệnh ngừng bắn được ký kết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.