Phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội của người có HIV
Trong bối cảnh các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm tài trợ, Ban điều hành Câu lạc bộ Sông Lam Xanh đã họp nhiều lần và phải cân nhắc kỹ mới đi đến quyết định phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội để tự lực kinh phí
Ấn tượng đầu tiên khi đến cửa hàng tạp hóa của Hợp tác xã Sông Lam Xanh là hình ảnh tấp nập của các thành viên phân công nhau, người bán hàng, người đi giao hàng, cùng với bốn câu thơ ghi phía dưới biển hiệu:
“Thắp nên ngọn lửa hồng;
Ấm áp cả trời đông;
Giữa cõi đời mênh mông;
Cần nhau một tấm lòng”.
Một khách hàng quen chia sẻ: “Tôi vô cùng khâm phục trước nghị lực của các em. Ở trong hoàn cảnh như vậy mà các em vẫn vươn lên làm những công việc có ích cho xã hội. Giá cả cũng phải chăng, các em lại nhiệt tình. Do đó, tôi hay mua hàng ở đây”.
Xuất phát điểm là một nhóm tự lực của người sống với HIV và những người có tiền sử sử dụng ma túy, được thành lập vào ngày 01 tháng 10 năm 2008. Sông Lam Xanh nhận được sự hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Sáng kiến Chính sách Về y tế, đến nay số thành viên tham gia lên tới 52 người. Khi được hỏi tại sao lấy tên là Sông Lam Xanh, một thành viên trong Ban điều hành tâm sự. “Vì tỉnh Nghệ An có dòng sông Lam, còn màu xanh tượng trưng cho sự hy vọng”.
Với số vốn từ khoản tài trợ là 2000 USD, là chi phí cho nhóm thực hành bài tập về khởi sự kinh doanh và nâng cao năng lực. Các thành viên trong nhóm phải góp vốn thêm.
Ông Phan Văn Kiên, Chủ nhiệm Hợp tác xã bộc bạch: “Ở vùng quê miền Trung, trước đây sự kỳ thị với người có HIV tương đối nặng nề nhưng bây giờ những người dân ở đây đã hiểu và rất ủng hộ mô hình này. Rất nhiều khách hàng đến đây họ không khỏi ngỡ hàng trước bốn câu thơ ghi trên cửa hàng. Sau đó, được các thành viên trong nhóm giải thích họ hiểu và cảm thông hơn.
Tuy nhiên, việc kinh doanh không nên trong đợi sự thương hại mà chất lượng phục vụ luôn được đặt nên hàng đầu. Vấn đề kinh doanh chỉ để tồn tại và duy trì hoạt động của nhóm không phải để làm giàu. Hoạt động cộng đồng chủ yếu là tìm thấy niềm vui. Một nhóm tự lực có tư cách pháp nhân đầy đủ cũng dễ giao dịch và nói chuyện với chính quyền địa phương hơn”.
Mô hình Hợp tác xã Sông Lam Xanh đã được một số đơn vị, tổ chức mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm, trong các hội nghị, hội thảo. Trong hội nghị đối thoại tại Hà Nội, ông Kiên chia sẻ tầm nhìn Hợp tác xã Sông Lam Xanh sẽ trở thành một doanh nghiệp xã hội chuyên nghiệp hơn. Với mong muốn mở rộng mô hình sinh kế tạo việc làm cho người sống với HIV và các những người đã cai nghiện ma túy thành công tại địa phương và nhân rộng mô hình này ra một số tỉnh lân cận.
Nhằm chia sẻ, động viên các thành viên Sông Lam Xanh, Phó giám đốc Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Nghệ An đã mời các thành viên trong Ban điều hành nhóm đi ăn trưa và có lời động viên khen ngợi kịp thời "các anh em đã đi tiên phong và làm rất nhiều việc tốt cho Nghệ An, cần phát huy nhiều hơn nữa”.
Các bạn trong nhóm Sông Lam Xanh duy trì được hoạt động của nhóm là do hội tụ bởi nhiều yếu tố trong đó nhiệt huyết của trưởng nhóm và các thành viên Ban điều hành và một phần không thể thiếu.
Phan Văn Kiên – Sông Lam Xanh, Nghệ An