Pháp cuối cùng cũng xuất khẩu được “niềm tự hào” Rafale
Dự kiến lễ ký kết sẽ diễn ra vào ngày 16-2 nhân chuyến thăm chính thức Ai Cập của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Ngoài Rafale, trong khuôn khổ bản hợp đồng trên, Pháp cũng sẽ bán cho Ai Cập một chiếc khu trục đa nhiệm FREMM và một số tên lửa phòng không do Tập đoàn MBDA của nước này sản xuất.
Pháp bắt đầu sản xuất Rafale từ năm 2000. Nó là biểu tượng của nước này, bởi chiếc tiêm kích được thiết kế, sản xuất hoàn toàn bằng kỹ thuật, công nghệ Pháp.
Bộ Quốc phòng Pháp ca ngợi Rafale là “lá cờ đầu” trong dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ tư bởi Rafale hoàn hảo với các yêu cầu nhiệm vụ của Pháp.
Một chiếc chiến đấu cơ Rafale. Ảnh: wikipedia |
Tuy nhiên, nó lại khá “lận đận” trong việc xuất khẩu bởi không đáp ứng với các mục tiêu tác chiến của những quốc gia khác. Vì thế, đã 15 năm qua mà Hãng Dassault - "cha đẻ" của Rafale - không có nổi một đơn đặt hàng nào từ nước ngoài. Nhiều chuyên gia quân sự đã nghĩ đến kịch bản Pháp phải dừng sản xuất loại máy bay này.
Một điều lạ là những cuộc thương thảo mua bán Rafale giữa Ai Cập và Pháp lại diễn ra khá nhanh. Có thể phần vì Pháp đang muốn bán “cho bằng được” chiến đấu cơ trên, một phần vì Rafale có một tầm hoạt động rộng lớn, phù hợp với nhu cầu tăng cường sức mạnh không quân của Ai Cập trước khả năng các tổ chức thù địch như Al Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đe dọa an ninh eo biển Bab El Mandeb cũng như kênh đào Suez của nước này.
Nếu hợp đồng này “xuôi chèo mát mái” thì Không quân Ai Cập sẽ sớm nhận được Rafale.
Hiện chỉ có Không quân Pháp sở hữu Rafale. Không quân Pháp dự kiến mua 180 chiếc Rafale và những chiếc cuối cùng sẽ được biên chế vào năm 2018.
Theo Quân đội Nhân dân