Phần tử nước ngoài đua nhau bỏ trốn, “Nhà nước Hồi giáo” suy tàn
Trong những tuần gần đây, hàng chục thành viên người nước ngoài của IS đã đồng loạt chạy trốn khỏi tổ chức khủng bố. Phần lớn những người này đều bị bắt giữ tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, nhưng cũng có một số người đã không bị bắt và lẩn trốn vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Một phiến quân IS giương cờ của tổ chức tại thành phố Raqqa (Syria). |
Tuần trước, một công dân Anh có tên Stefan Aristidou cùng vợ của mình và một người Mỹ tên Kary Paul Kleman đã ra đầu thú trước cảnh sát biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ sau hơn hai năm hoạt động trong khu vực do IS kiểm soát.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Aristidou, tuổi trạc 20, đã xuất hiện tại cửa khẩu Kilis ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ cùng người vợ người Anh gốc Bangladesh của mình. Klemen xuất hiện ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cùng người vợ người Syria và hai phụ nữ Ai Cập có chồng đã chết tại Syria hoặc Iraq.
Được biết, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã trao trả tự do cho người phụ nữ Anh đi cùng với Aristidou. Tong khi đó, nếu bị tuyên có tội trước tòa, nhiều khả năng Aristidou và Klemen sẽ phải ngồi tù từ 7 năm rưỡi cho đến 15 năm. Aristidou cũng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác nếu bị dẫn độ về Anh.
Một số nguồn tin trong nội bộ IS đã tiết lộ rằng các vùng lãnh tổ mà IS đang kiểm soát tại Syria đang ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó, liên quân do Mỹ đứng đầu đang dần tiến quân về phía thành phố Raqqa và Tabqa ở vùng đông bắc Syria, nơi rất nhiều phần tử khủng bố nước ngoài đã được IS bố trí hoạt động trong vòng 4 năm qua.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu cho biết, hiện đang ngày càng có rất nhiều thành viên IS nước ngoài gia nhập tổ chức từ năm 2013 đã liên lạc với đại sứ quán để xin được hồi hương. Tuy nhiên cũng có những phần tử trung thành với giáo lý của IS đã lợi dụng tình trạng này để vào Thổ Nhĩ Kỳ và đến Châu Âu để tấn công trả đũa. Trong số này có những nhân vật quan trọng có nhiệm vụ tổ chức các vụ khủng bố ở nước ngoài.
Ít nhất đã có khoảng 250 phần tử cực đoan mang quốc tịch Anh, Pháp, Bỉ và Úc đã bí mật xâm nhập vào Châu Âu từ cuối năm 2014 cho đến giữa năm 2016. Phần lớn những tên này trước đây đều nhập cảnh tại cửa khẩu ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, và mặc dù đã bắt giữ nhiều đối tượng khả nghi vào đầu năm nay song các phần tử khủng bố vẫn tìm ra nhiều cách để thâm nhập vào châu Âu.
Năm ngoái, một thành viên cấp cao của IS mang quốc tịch Úc là Neil Prakash đã bị cảnh sát bắt giữ tại một địa điểm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ không xa. Trong một bản tưởng trình sau khi bị bắt, Prakash thừa nhận đã gia nhập IS, chiến đấu cùng phiến quân khủng bố khác trong tổ chức tại thị trấn Kobani (Syria) và bị thương tại đây. Tên này phủ nhận đóng vai trò quan trọng trong nội bộ tổ chức và đã chạy trốn sau khi thủ lĩnh IS tại Raqqa cho phép hắn đến tỉnh Idlib.
Chính phủ Úc tin rằng Prakash là một trong những thành viên quan trọng nhất của IS và rằng hắn có thể có liên quan đến hoạt động chế tạo máy bay không người lái của tổ chức. Nhiều khả năng hắn có ý đồ thâm nhập vào Châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành khủng bố.
Đã có khoảng 30.000 phiến quân nước ngoài được cho là đã có mặt tại Syria để chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Chính phủ Mỹ ước tính rằng kể từ khi IS xuất hiện đến nay, khoảng 25.000 phần tử nước ngoài đã bị tiêu diệt.
Khoảng 850 phần tử người Anh đã gia nhập IS hoặc Mặt trận Nusra, một chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, để chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Một nửa trong số này được cho là đã trở về Anh và khoảng 200 tên khác đã chết trên chiến trường.