Ông Vũ Tiến Lộc: 7000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp
Con số này được ông Vũ Tiến Lộc đề cập tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, thông báo về Hội nghị gặp gỡ Thủ tướng và doanh nghiệp sẽ diễn ra ngày 29/4 tới đây.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, không phải 6.000 mà hiện tại có tới 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp và một nửa trong số đó không còn hợp lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp (DN).
“Trong 7000 giấy phép con này, tôi chắc chắn sẽ còn nhiều điều kiện không hợp lý, nên cần phải rà soát thường xuyên và làm tích cực trong thời gian tới”- Chủ tịch VCCI nói.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI lo lắng trước tình hình có tới 7000 giấy phép con đang "hành" doanh nghiệp |
Ông Lộc cũng khẳng định, những điều kiện kinh doanh trong các văn bản cấp Thông tư trở xuống sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7 tới (thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực).
“Hiện nay môi trường kinh doanh của chúng ta chưa thuận lợi, kém thân thiện mà còn mà còn thiếu an toàn. Trong đó, yếu tố an toàn là đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư, doanh nhân, người dân...”- ông Lộc nói và khẳng định, niềm tin của doanh nhân phải được đảm bảo bởi tính an toàn của môi trường kinh doanh.
Nhưng điều khiến Chủ tịch VCCI lấy làm lạ, là ngoài những điều kiện kinh doanh được quy định bằng những Thông tư trước đây, thì một số Bộ, ngành vẫn “phớt lờ” coi như không có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, và ban hành những giấy phép con.
“Tôi thấy điều này rất lạ là việc này trái với quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Vì thế, cần phải rà soát chặt chẽ để đảm bảo tính nhất quán” – ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Bình luận về vấn đề này, bà Bùi Thu Thuỷ - Cục phó Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư - KHĐT) chia sẻ, không chỉ “vướng” vì giấy phép con mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn cả khách quan và nội tại của DN, như thị trường, cải cách hành chính…
Trung bình mỗi năm Việt Nam có 100.000 DN “khai sinh” thì cũng có tới 60% trong số này “khai tử”. Tỷ lệ này cho thấy sự sàng lọc, đào thải tự nhiên, song không có nghĩa DN không gặp khó khăn. Hiện Bộ KHĐT được giao chủ trì, rà soát giấy phép con theo hướng dễ thở hơn cho DN, nhưng có bắt tay vào việc rà soát giấy phép con mới thấy rằng đó là “cả một rừng văn bản pháp lý”.
“DN chưa kinh doanh mà đã thấy cả “rừng” giấy phép như vậy thì chả ai không nản. Việc rà soát lại giấy phép con đang được Bộ KHĐT khẩn trương triển khai, nhưng thực tế khá khó khăn và thời gian từ nay tới 1/7 không còn nhiều” – vị này bày tỏ.
Nói tới cái khó trong việc rà soát lại giấy phép con, Cục phó Cục Phát triển DN kể, mỗi lần Bộ KHĐT tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành trên tinh thần kiên quyết rà soát và cắt giấy phép con, thì vẫn còn tình trạng các Bộ, ngành “ngang nhiên” và phớt lờ Luật và ban hành các điều kiện theo giấy phép con, trong khi cấp Thông tư không được phép duy trì các loại giấy phép con như vậy.
“Đến ngày 1/7 tới đây, nếu chúng ta không kịp ban hành các Nghị định thì sẽ xảy ra tình trạng các quy định pháp luật sẽ đan chéo nhau và chưa rõ ràng, gây khó cho cả các doanh nghiệp và cơ quan quản lý”- bà Thuỷ nêu quan điểm.
Một nghịch lý nữa cũng được Cục phó Cục Phát triển DN đưa ra, đó là chính sách hỗ trợ DN thì nhiều, nhưng phân tán, không đi vào cuộc sống nên DN chưa tiếp cận được. “Có những DN cầm giấy chứng nhận khoa học công nghệ nhưng lại không được hưởng ưu đãi. Vì thế cần có giải pháp để đảm bảo chính sách đã ban hành thì phải có hiệu lực” – bà Thuỷ nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc thì kỳ vọng, hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và DN được tổ chức ngày 29/4 tới mang ý nghĩa như Hội nghị diên hồng sẽ đưa ra thông điệp của Thủ tướng – DN là động lực phát triển kinh tế; Chính phủ sẽ tạo thuận lợi lớn nhất cho phát triển kinh doanh và tạo môi trường cho DN kinh doanh, phát triển…