Ông Trương Quý Dương "xin miễn trách nhiệm hình sự, cùng lắm là án treo"
Trả lời HĐXX trong phiên tòa phúc thẩm vụ chạy thận chiều 12/6, bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, bày tỏ mong muốn HĐXX cân nhắc, đánh giá các yếu tố khách quan, chủ quan, trực tiếp, cũng như gián tiếp về vai trò của bị cáo.
Cho rằng mình có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Trương Quý Dương xin được miễn trách nhiệm hình sự hoặc xin hưởng án treo. Trước đó, bản án sơ thẩm số 08/2019/HS-ST ngày 30/01/2019 TAND thành phố Hòa Bình tuyên bị cáo 30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999.
Ông Dương cho rằng mức án này không thỏa đáng. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét tất cả các tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được miễn nhiệm trách nhiệm hình sự hoặc nếu không thì xin được hưởng án treo.
“Mức án nào là do HĐXX quyết định, bị cáo xin được tự đánh giá trong điều kiện như vậy, những gì có thể làm được bị cáo đã cố gắng hết sức. Sự cố y khoa này là hi hữu, cả thế giới chỉ có 1-2 vụ, bản thân bị cáo và các bị cáo khác không lường hết được”.
Mặc dù vậy, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình thừa nhận bản thân đã chủ quan, để xảy ra sự cố làm 9 người chết. Bị cáo này khẳng định đây là trách nhiệm của mình.
Bị cáo Trương Quý Dương làm thủ tục tại tòa sáng 12/6. |
HĐXX cho biết, theo khung hình phạt, tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được áp dụng chi bị cáo là 3-12 năm tù giam, cấp sơ thẩm đã xem xét đến các yếu tố giảm nhẹ cho bị cáo.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Giám đốc bệnh viện từ năm 2002-2017, năm 2009, Trương Quý Dương thay mặt BVĐK tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng với Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) về việc liên kết đặt máy chạy thận tại bệnh viện thông qua hình thức khai thác – chuyển giao (HĐ số 64 và đã thanh lý).
Tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, có 18 máy chạy thận hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo, trong đó có 5 máy thuộc quyền sở hữu và khai thác của Thiên Sơn, 13 máy còn lại đã được bàn giao cho bệnh viện.
Về hợp đồng số 315 ngày 25/5/2017 ký giữa bệnh viện và Thiên Sơn với nội dung sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng hệ thống RO số 2, Trương Quý Dương khai hợp đồng được ký chiều 25/5/2017 tại phòng làm việc của mình (phòng Giám đốc Bệnh viện) sau khi Đỗ Anh Tuấn trực tiếp thương thảo với Trương Quý Dương.
Trước đó, thực hiện Đề án 318, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã cử Hoàng Công Lương và một số điều dưỡng viên về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để được đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật lọc máu. Căn cứ từ nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với BVĐK tỉnh Hòa Bình đào tạo kỹ thuật lọc máu, do đó bị cáo ký quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo.
“Đây chỉ là một bộ phận trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực, không phải là cấp hành chính như khoa, phòng nên nhiệm vụ của người phụ trách đơn nguyên là do Trưởng khoa phân công.” Trương Quý Dương lý giải vì sao không trực tiếp bổ nhiệm phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. “Không thể có chuyện đơn nguyên đó không có người phụ trách. Anh Khiếu (Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện – PV) cũng chưa bao giờ đề cập đến việc không có người phụ trách đơn nguyên”.
Sau khi xét hỏi Trương Quý Dương, HĐXX xét hỏi đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn – nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Bị cáo khẳng định Hợp đồng số 315 được ký ngày 25/5/2017 tại phòng làm việc của Trương Quý Dương sau khi Thiên Sơn gửi báo giá và đã được Bệnh viện đồng ý.
Phía Công ty Thiên Sơn đã cử Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh, người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 ngày 28/5/2017) là đối tác của Công ty lên kiểm tra, tư vấn cho bệnh viện những hạng mục cần sửa chữa.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn. |
Đỗ Anh Tuấn khẳng định Quốc không phải là người của Thiên Sơn mà chỉ là “đối tác” của Thiên Sơn.
“Quốc chưa báo cáo với tôi về kết quả sửa chữa, chúng tôi chưa có bàn giao cho bệnh viện. Quốc cũng không có tư cách để bàn giao cho bệnh viện mà phải bàn giao cho chúng tôi, trong khi chúng tôi chưa bàn giao thiết bị cho bệnh viện nhưng phía bệnh viện đã tự ý đưa thiết bị vào sử dụng”, cựu Tổng Giám đốc Công ty Thiên Sơn nói.
Có mặt tại phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Bùi Mạnh Quốc cho biết: Mỗi một lần kiểm tra hệ thống RO tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đều có người đại diện của Công ty Thiên Sơn. Trước ngày 28/5/2017, có người của công ty Thiên Sơn gọi điện yêu cầu bị cáo ngày 28/5 mang vật tư lên để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2.
Để Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc sửa chữa hệ thống RO số 2, Thiên Sơn và Trâm Anh đã ký HĐ số 05 nhưng việc ký kết chỉ được thực hiện vào chiều 29/5/2017 sau khi xảy ra sự cố.
Theo bị cáo Trương Quý Dương, Bệnh viện chỉ làm việc với Công ty Thiên Sơn chứ không làm việc với Công ty Trâm Anh. Bệnh viện ký hợp đồng với Thiên Sơn vì Thiên Sơn đủ năng lực điều kiện để làm việc này.
HĐXX hỏi nếu Trâm Anh không đủ năng lực thì làm thế nào, Trương Quý Dương trả lời: Bệnh viện nghiệm thu bằng kết quả, nếu Thiên Sơn ký với đối tác không đủ năng lực nghĩa là kết quả không đảm bảo và bệnh viện không nghiệm thu.