Ông Trump và Obama ngày càng xa cách
Một quan chức Nhà Trắng cho AP biết, ông Jon Huntsman, từng làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ 2009 đến 2011 dưới thời cựu Tổng thống Obama, nói thành thạo tiếng phổ thông, sẽ sớm được đề cử chính thức vào vị trí đại diện cho Washington tại Moscow.
Như vậy, ông Huntsman sẽ thay thế Đại sứ John Teff, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tuy nhiên lại có một nhiệm kỳ không mấy thành công khi quan hệ Nga – Mỹ rớt xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ông Jon Huntsman, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, sẽ sang Nga nhận nhiệm vụ mới? Nguồn: AP |
Nếu được thông qua, ông Huntsman sẽ cần phải “chèo lái” một môi trường nơi mọi mối liên hệ giữa tân Tổng thống với chính quyền Liên Xô cũ đang thu hút sự chú ý khi cộng đồng tình báo khẳng định chính phủ của ông Putin đã gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm tạo chiến thắng cho ông Trump.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn đã từ chức, và Tổng chưởng lý Jeff Sessions đã vừa tự mình thoát khỏi một cuộc điều tra liên quan đến việc ông liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.
Trước đó, tỷ phú Donald Trump từng chỉ trích công việc của ông Huntsman tại Trung Quốc trên trang Twitter. “Các nhà ngoại giao của chúng ta quá yếu. Chính sách Trung Quốc của Jon Huntsman chứng tỏ tại sao chúng ta cần tới các doanh nhân để đàm phán với Bắc Kinh. Trung Quốc đã có được món hời lớn dưới thời Huntsman. Ông ấy quá dễ dãi”, ông Trump viết hồi năm 2012.
Jon Huntsman từng chạy đua vào vị trí ứng viên đảng Cộng hòa năm 2012 nhưng đã từ bỏ sau phiên bỏ phiếu đầu tiên tại New Hampshire và ủng hộ ông Mitt Romney. Cựu đại sứ Trung Quốc cũng từng chỉ trích ông chủ tương lai của mình khi kêu gọi ông Trump từ bỏ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi tháng 10/2016.
Bang đầu tiên ở Mỹ kiện sắc lệnh nhập cư mới
Một thẩm phán liên bang Hawaii hôm qua (8/3) đã đồng ý xem xét yêu cầu của các luật sư tại đây trong nỗ lực ngăn chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh mới mà Tổng thống Donald Trump ký ngày 6/3.
CNN cho hay, nhóm luật sư bang Hawaii trước đó đệ đơn đề nghị thẩm phán liên bang ban hành một phán quyết cấm áp dụng sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump. Trong đơn, các luật sư khẳng định sắc lệnh sửa đổi sẽ “gây thiệt hại trực tiếp cho kinh tế, những cơ sở giáo dục cũng như ngành công nghiệp du lịch” ở Hawaii, đồng thời dễ dẫn tới tình trạng “phân biệt đối xử”.
Hawaii là bang đầu tiên kiện sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump. Nguồn: Reuters |
“Mệnh lệnh hành pháp sửa đổi được ban hành đồng nghĩa với việc hàng nghìn người tại Hawaii và trên khắp nước Mỹ có thành viên gia đình sống ở những quốc gia bị ảnh hưởng nay không thể đón người thân của mình tới thăm và đoàn tụ trên đất Mỹ”, trong đơn có đoạn.
Nội dung sắc lệnh nhập cư mới của ông chủ Nhà Trắng gồm tạm thời dừng cấp thị thực cho công dân đến từ 6 nước Hồi giáo là Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan; có hiệu lực từ ngày 16/3, không áp dụng với những người đã có thị thực vào Mỹ, cư dân thường trú tại Mỹ và giảm từ cấm nhập cư vô thời hạn đối với người tị nạn Syria xuống còn 120 ngày.
Ông Trump và Obama ngày càng xa cách
Theo CNN, trước cáo buộc nghe lén của Tổng thống Donald Trump, cựu lãnh đạo Nhà Trắng đã cảm thấy rất phiền lòng, dù các nguồn tin thân cận cho biết phản ứng của ông Obama không đến mức giận dữ.
Ông Obama và các phụ tá đã ngay lập tức đáp trả cáo buộc trên. Người phát ngôn của ông Obama cho hay: “Cả Tổng thống Obama lẫn quan chức Nhà Trắng chưa bao giờ yêu cầu giám sát bất cứ công dân Mỹ nào. Mọi cáo buộc đều là giả dối”.
Ông Obama không hài lòng trước những cáo buộc của ông Trump. Nguồn: Reuters |
Trong khi đó, những người ủng hộ trung thành của ông Obama bày tỏ sự không hài lòng với ông Trump. Trên mạng xã hội và truyền hình, các cựu phụ tá của ông Obama kịch liệt chỉ trích ông Trump trong những tuần đầu nhiệm kỳ tổng thống.
Nhiều nguồn tin thân cận cho biết, ông Trump và ông Obama đã không nói chuyện với nhau kể từ ngày sau lễ nhậm chức. Vào ngày diễn ra lễ nhậm chức, ông Obama tiếp ông Trump cà phê ở Nhà Trắng, rồi cùng ông Trump tới Đồi Capitol để dự lễ tuyên thệ nhậm chức, tuy nhiên sau đó không hề có thêm sự kết nối nào.
Ông Trump từng nói quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo rất “ấm áp” trước lễ nhậm chức, nhờ cuộc gặp riêng ở Phòng Bầu dục và một số cuộc điện thoại. Nhưng một số người thân cận của cả hai ông nói rằng, khó có quan hệ gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo này, do vị đắng trong chiến dịch bầu cử, cùng với việc ông Trump luôn hoài nghi về nhiều chính sách của người tiền nhiệm.