Ông Putin tuyên bố trả đũa Mỹ nếu rút khỏi Hiệp ước INF
Tổng thống Nga Putin |
Ngày 5/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ buộc phải có phản ứng đáp trả nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Trả lời phỏng vấn các phóng viên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: Nga phản đối việc hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhưng cũng sẽ buộc phải phản ứng với việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng Washington vốn từ lâu đã có quyết định rút khỏi hiệp ước này và đang đổ lỗi cho Nga vi phạm để lấy đó làm cái cớ trước khi thông báo công khai về điều này.
Nhấn mạnh với các nhà báo, người đứng đầu điện Kremlin cho rằng trước khi Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF, thì Quốc hội Mỹ cũng đã phân bổ ngân sách cho việc tạo ra các tên lửa phù hợp.
Ông Putin khẳng định: "Quyết định đã được đưa ra từ lâu, nhưng họ giấu kín. Họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ không chú ý đến điều đó, nhưng thực chất trong ngân sách của Lầu Năm Góc đã có khoản chi phí cho phát triển những tên lửa này. Chỉ sau khi chế tạo thành công, họ mới công khai thông báo sẽ rút lui khỏi Hiệp ước".
"Bước tiếp theo là tìm kiếm ai đó để đổ trách nhiệm, và cách đơn giản và quen thuộc nhất với những người phương Tây đó là: "Đổ lỗi cho Nga". Không phải như thế, chúng tôi phản đối việc hủy bỏ Hiệp ước, nhưng nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ phải đưa ra phản ứng đáp trả cho phù hợp", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Trump |
Ngày 5/12, Mỹ đã ra tối hậu thư 60 ngày để Nga làm rõ cái Washington cho là một sự vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân 1987, đồng thời thông báo sẽ buộc phải khởi động một quá trình rút khỏi Hiệp ước INF kéo dài 6 tháng, nếu không có gì thay đổi.
Trước đó, ngày 20/10, tuyên bố trước báo giới sau cuộc vận động cử tri tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump cho biết Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung đã ký với Nga, mở ra nguy cơ đối đầu hạt nhân trở tại châu Âu sau gần ba thập kỷ.
Nhà lãnh đạo Mỹ đổ lỗi cho Nga là bên vi phạm trước, đồng thời cho biết nếu Nga và Trung Quốc không chịu ký một thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân mới thì nước này sẽ cho phát triển vũ khí hạt nhân của mình.
Được biết vào năm 1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đặt bút ký Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), theo đó thống nhất loại bỏ tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và trung, chấm dứt đối đầu hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng, nếu INF bị hủy bỏ và New Start hết hạn vào năm 2021, thì thế giới sẽ không còn sự ràng buộc giới hạn nào đối với các cường quốc hạt nhân.