Ông Kim Jong-un: Triều Tiên phải “giáng đòn mạnh” vào những nước áp đặt cấm vận
Đây là lần đầu tiên ông Kim khẳng định quan điểm của Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội vào tháng 2 vừa qua, đồng thời ngầm cho thấy đất nước đang tập trung vào việc phát triển kinh tế. Đây là hướng đi chiến lược mà chính ông đã tuyên bố vào tháng 4 năm ngoái.
![]() |
Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố rằng Triều Tiên phải "giáng đòn mạnh" vào "thế lực thù địch" đã cấm vận đất nước. |
Theo hãng tin KCNA, về quan điểm của Triều Tiên đối với hội nghị, ông Kim cho biết ông sẽ nỗ lực gấp đôi nhằm tạo ra một nền kinh tế tự lập “để giáng một đòn mạnh đối với những thế lực thù địch nhìn chúng ta với những con mắt đỏ ngầu và suy nghĩ sai lầm rằng cấm vận có thể khiến Triều Tiên phải quỳ gồi”.
Các cuộc trao đổi giữa Mỹ và Triều Tiên đang chững lại kể từ sau hội nghị ở Hà Nội, vốn kết thúc mà không đạt được kết quả mong muốn do những bất đồng về mức độ mà Triều Tiên chấp nhận giới hạn chương trình hạt nhân và mức độ mà Mỹ sẵn sàng nới lỏng cấm vận kinh tế.
Trong những tuần gần đây, ông Kim nhấn mạnh, đất nước phải tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế mặc dù nới lỏng cấm vận vẫn chưa thành hiện thực.
Các hãng truyền thông Triều Tiên đã đăng tải những ảnh chụp và bài viết về các chuyến thăm đến 4 dự án kinh tế của ông Kim trong thời gian qua, trong đó bao gồm một cửa hàng bách hóa được cải tạo, khu nghỉ dưỡng và một trung tâm kinh tế gần biên giới Trung Quốc.
Trong một hội nghị diễn ra năm ngoái, ông Kim đã chính thức tuyên bố “đường hướng chiến lược” mới nhằm tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân Triều Tiên, thay vì song song xây dựng kinh tế và chế tạo vũ khí hạt nhân như trước.
Theo một số chuyên gia, mặc dù không nêu đích danh những “thế lực thù địch” đã áp đặt cấm vận trong phát biểu của mình, ông Kim dường như đang có phần cứng rắn hơn với Washington so với trước đây. Tuyên bố của ông Kim được đưa ra vài giờ trước khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt để thảo luận về Triều Tiên và các vấn đề khác.
Ông Moon đã nói rằng các hình thức cấm vận có thể được giảm nhẹ để cho phép Hàn Quốc và Triều Tiên có thể hợp tác kinh tế đến một mức độ nào đó và đổi lại Triều Tiên phải nhượng bộ về vấn đề hạt nhân, nhưng cho đến nay Washington vẫn chưa đồng ý.
“Triều Tiên không nêu đích danh Mỹ, nhưng họ gọi những nước áp đặt cấm vận là thế lực thù địch”, ông Shin Beom-chul, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Châu Á tại Seoul (Hàn Quốc) cho biết. “Ông Kim có ý rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục đi theo con đường độc lập của mình trừ phi Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Nếu cấm vận vẫn còn, anh vẫn là thế lực thù địch, còn nếu nới lỏng cấm vận thì anh không phải vậy”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây cũng phát biểu trước một ủy ban Quốc hội Mỹ rằng ông muốn “để ngỏ những khoảng trống” trong các hình thức cấm vận trong trường hợp Triều Tiên có những bước tiến “đáng kể” nhằm hướng tới việc phi hạt nhân hóa.
Ông Pompeo khẳng định lệnh trừng phạt vẫn phải được áp dụng cho đến khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn. “Các cơ chế trừng phạt, các nghị quyết của Liên Hợp Quốc phải giữ nguyên hiệu lực cho đến khi quá trình phi hạt nhân hóa được xác nhận đã hoàn thành”, ông nói.