Olympic Pyeongchang 2018: Thế vận hội Olympic đầu tiên ứng dụng công nghệ 5G
Theo tin từ Cục Tần số vô tuyến điện, Thế vận hội Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 9/2/2018 đến ngày 25/2/2018 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người xem trên toàn thế giới. Sự quan tâm đó không chỉ là sức hấp dẫn của những trận đấu trong sự kiện này, mà còn là những trải nghiệm vô cùng độc đáo mang đậm chất công nghệ do nước chủ nhà Hàn Quốc đã đem lại cho các khán giả và cổ động viên tại đây. Đó là sự trải nghiệm Thế vận hội Olympic với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin di động thế hệ mới 5G, điển hình là ứng dụng ô tô tự hành, trải nghiệm thực tế ảo hay xem video thời gian thực độ nét siêu cao.
Xe buýt tự hành trang bị công nghệ kết nối 5G tại Thế vận hội Olympic mùa đông 2018 |
Những chiếc ô tô tự hành dùng công nghệ 5G
Kết nối vô tuyến tin cậy với độ trễ cực thấp là tính năng tối quan trọng trong những chiếc ô tô tự hành bởi nó bảo đảm cho việc di chuyển của chiếc xe an toàn và theo đúng lộ trình mong muốn. Nước chủ nhà của Thế vận hội Olympic mùa đông 2018 đã mất nhiều năm chuẩn bị để cho ra mắt những chiếc xe chuyên dụng có khả năng tự lái. Nền tảng công nghệ 5G cho phép kết nối thông tin giữa các thiết bị, bộ cảm biến trên xe ô tô và hạ tầng mạng viễn thông. Toàn bộ hành trình giao thông được điều khiển tự động bởi hệ thống mạng 5G. Bên cạnh đó, hành khách trên xe cũng được trải nghiệm đa dạng các ứng dụng mà công nghệ 5G đem lại như truyền hình trực tuyến, thực tế ảo, truyền hình độ nét siêu cao UHD 4K, video thời gian thực với độ trễ gần như bằng 0. Những thông tin về bản đồ, thông tin giao thông, thông tin thời tiết cũng được cung cấp qua hạ tầng mạng 5G. Lưu lượng dữ liệu tiêu thụ bởi những chiếc ô tô tự hành được cho là không thua kém so với lưu lượng dữ liệu tiêu thụ bởi điện thoại thông minh.
Giải pháp công nghệ và dịch vụ 5G ứng dụng trên những chiếc xe ô tô của hãng sản xuất ô tô Huyndai (Hàn Quốc) được cung cấp bởi nhà mạng KT của Hàn Quốc và các hãng sản xuất chipset, thiết bị phần cứng như Intel, Samsung.
Những chiếc xe ô tô tự hành đã thực hiện hành trình trên quãng đường có chiều dài 7 km để chở hành khách xem các trận thi đấu Olympics. Trước đó, chiếc xe Nexo của hãng Huyndai cũng đã di chuyển một hành trình dài 190 km trên đường cao tốc từ thủ đô Seoul đến thành phố Pyeongchang. Chiếc xe này đã đi qua hàng loạt các trạm thu phí, các ngã rẽ, đường hầm mà không có sự can thiệp của người lái xe.
Hãng di động KT của Hàn Quốc cho biết doanh nghiệp này sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G tại Hàn Quốc vào năm 2019, trong đó xe bus tự hành dùng công nghệ 5G là một trong những ý tưởng có thể sớm được triển khai.
Trải nghiệm Olympic với công nghệ thực tế ảo, video độ nét siêu cao, độ trễ cực thấp
Những động tác và trình diễn của các vận động viên được ghi lại bởi hàng trăm chiếc camera siêu nhỏ, đồng thời được truyền trực tiếp tới các trạm thu phát 5G gần nhất. Sau đó, các đoạn video được xử lý ở ngay lớp biên của mạng truy cập thay vì đẩy về mạng lõi xử lý như các công nghệ di động trước đây. Trạm thu phát 5G cho phép truyền tải video tốc độ siêu cao, độ trễ cực thấp. Những khán giả ở khu vực đặc biệt (khu vực VIP) có thể xem video thời gian thực với nhiều góc nhìn khác nhau trên thiết bị di động được cung cấp bởi Intel.
Mặc dù vậy, ông Rob Topol, Giám đốc bộ phận tiếp thị 5G của Intel cho biết: Những gì mà công nghệ 5G đang được trình diễn tại đây vẫn còn trong giai đoạn ban đầu, chưa thể hiện hết được khả năng ứng dụng của công nghệ này. Vùng phủ của sóng 5G do doanh nghiệp di động KT (Hàn Quốc) phối hợp với Intel chỉ phủ sóng giới hạn trong khu vực có diện tích còn hạn chế, khoảng 1.3 km2. Thử nghiệm 5G tại Hàn Quốc sử dụng băng tần 28 GHz với tổng số trạm thu phát 5G trên dưới 100 trạm, đặt tại thành phố Seoul, Pyeongchang và một số thành phố khác. Mật độ trạm thấp trong khi sử dụng băng tần cao (28 GHz) có mức suy hao truyền sóng lớn đã tạo ra những hạn chế về vùng phủ sóng của dịch vụ 5G. Bên cạnh đó, việc truy cập dịch vụ 5G vẫn cần sử dụng thiết bị máy tính bảng do Intel cung cấp.
Phát ngôn viên của Olympic Pyeongchang cũng chia sẻ, trong các kỳ Olympics trước đây, việc gửi hình ảnh và video để chia sẻ với bạn bè hay bị trễ thì trong kỳ Olympics này mọi thứ trở nên nhanh chóng và mượt mà hơn nhiều.
Trước đây, tại một số kỳ Thế vận hội Olympic, thế giới đã được chứng kiến, trải nghiệm những công nghệ mới. Điển hình như tại Thế vận hội Olympic năm 1964 diễn ra tại Tokyo, nước chủ nhà Nhật Bản đã cho ra mắt những chiếc tàu cao tốc hay việc trình chiếu sự kiện được thực hiện bằng công nghệ truyền hình màu. Thế vận hội Olympic mùa đông Pyeongchang năm 2018 tiếp tục ghi nhận sự hỗ trợ của công nghệ mới nói chung và công nghệ thông tin di động thế hệ 5G nói riêng, vào sự thành công của sự kiện thể thao này. Chắc chắn rằng, tại kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo năm 2020 sẽ được chứng kiến phiên bản hoàn thiện của công nghệ 5G với nhiều ứng dụng và trải nghiệm độc đáo hơn nữa.