Obama cần làm gì để bảo vệ "Trục châu Á"?
Theo tác giả Harry Kazianis trên tờ Diplomat, trong chuyến công du châu Á lần này, nhiệm vụ của ông Obama là đảm bảo các đồng minh của Mỹ rằng Washington thực sự sẽ theo đuổi chiến lược “Trục chân Á” hay “tái cân bằng” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng thống Barack Obama bắt đầu chuyến công du từ ngày hôm nay (23/4). |
Theo Kazianis, sử dụng từ “trục” là chiến lược “marketing” rất thông minh của chính quyền Obama vì từ này khiến người nghe kì vọng rất cao. Tuy nhiên, trong khi lịch sử sẽ là người phát xét cuối cùng kết quả của các chiến lược ngoại giao, rõ ràng trước việc Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, sẽ là không ngoa nếu cho rằng Mỹ có lợi ích lớn nếu đưa châu Á trở thành tâm điểm trong chính sách ngoại giao của mình.
Mặc dù Tổng thống Obama có một số cách để thúc đẩy một chính sách ngoại giao tập trung vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông không còn nhiều thời gian (nhiệm kỳ của ông Obama kết thúc vào năm 2016) và ông phải xây dựng một chương trình nghị sự hết sức cẩn thận.
Thảo luận về TPP
Việc thuyết phục các đồng minh của Washington trong khu vực rằng Mỹ chắc chắn sẽ theo đuổi chiến lược “Trục châu Á” và chiến lược này sẽ không bị các điểm nóng khác trên thế giới dù là Ukraine, Syria hay nơi nào khác làm ảnh hưởng. Ông Obama có nhiều sự lựa chọn để đảm bảo với các đồng minh và củng cố chiến lược này.
Mặc dù rõ ràng là các vấn đề an ninh đóng vai trò quan trọng, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp ông Obama đạt được kết quả về ngoại giao tạo cơ sở chắc chắn cho việc thực hiện chiến lược “Trục châu Á”. Mặc dù con đường phía trước còn nhiều chông gai, có lẽ không điều gì giúp thể hiện rằng Mỹ thực sự hướng tới “Trục châu Á” tốt hơn việc thương lượng và kí kết TPP.
Trong khi TPP chắc chắn sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ, Hiệp định này giúp kết nối nhiều nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất châu Á vào một “sân chơi” chung về kinh tế. Điều rất quan trọng hơn cả là các quốc gia cùng nhau chia sẻ “vận mệnh” kinh tế, do đó TPP nên là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Obama.
Theo ông Kazianis, Tổng thống Mỹ nên thảo luận về TPP, tại sao hiệp định này quan trọng đến vậy và tại sao nước Mỹ đầu tư lớn vào việc xây dựng hiệp định này.
Khẳng định rõ ràng rằng Mỹ sẽ bảo vệ hiện trạng của khu vực
Trong những năm gần đây, Trung Quốc có những hành động quyết liệt để khẳng định cái gọi là “Đường 9 đoạn” trên Biển Đông như chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, tăng cường hiện diện tại Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) và tranh chấp chủ quyền Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tại các khu vực này và một số khu vực khác, rõ ràng Bắc Kinh đã thách thức trật tự hiện hữu ở châu Á.
Tổng thống Obama cần phải khẳng định rõ ràng và kiên quyết rằng Washington có lợi ích bất di bất dịch trong việc duy trì trật tự hiện hữu và sẽ bảo vệ hiện trạng ở khu vực.
Khi đến thăm Nhật Bản hay Philippines, mặc dù không nên đề cập cụ thể tới bất kỳ quốc gia nào, ông Obama nên tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ không cho phép bất kỳ cường quốc nào dần thay đổi hiện trạng. Ông nên cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi trật tự hiện nay ở châu Á sẽ bị Washington cản trở quyết liệt.
Việc người đứng đầu nước Mỹ ra tín hiệu tới Bắc Kinh rằng Washington rất coi trọng việc duy trì trật tự hiện hữu xét về đường biên giới quốc gia, vùng đặc quyền kinh tế và các khu vực quốc tế có thể sẽ có tác dụng mạnh mẽ. Kazianis cho rằng chuyến công du này là cơ hội để Tổng thống Obama thể hiện vị thế lãnh đạo của Mỹ và ông nên nắm bắt cơ hội đó.