Ồ ạt gom tiền lên biên giới mua máy sản xuất khẩu trang y tế, coi chừng vỡ mộng
Được biết, hiện đã có khoảng hơn 100 máy sản xuất khẩu trang y tế được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Số máy móc này có công suất phổ biến từ 140-160 sản phẩm/phút, có nhà cung cấp còn khẳng định có thể đạt công suất lên đến 220 sản phẩm/phút.
Hiện nay trên thị trường có 2 loại dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế gồm dây chuyền bán tự động và dây chuyền tự động hoàn toàn.
Trên thị trường có rất nhiều đơn vị hiện đang cung cấp các loại dây chuyền với các mức giá khác nhau. Tuy nhiên, giá thành của dây chuyền còn tùy thuộc vào thương hiệu máy. Về cơ bản, giá của các dây chuyền bán tự động rẻ hơn khoảng vài chục triệu đồng so với dây chuyền tự động hoàn toàn.
Tuy vậy, mức giá được các nhà cung cấp đưa ra cũng có sự chênh lệch khá lớn. Theo tìm hiểu của PV từ một nhà cung cấp có địa chỉ tại TP.HCM, mức giá bán cho một dây chuyền sản xuất bán tự động lên tới 1,37 tỷ đồng, trong khi một nhà cung cấp khác lại chào giá cho một dây chuyền tự động chỉ 700 triệu đồng. Nhưng cũng có nhà cung cấp hét giá "trên trời", tận 3-4 tỷ đồng mỗi dây chuyền.
Máysản xuất khẩu trang được các doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam. |
Một nhà cung cấp khác cũng có địa chỉ tại TP.HCM cho biết, phần lớn các dây chuyền nhập về đều đã qua sử dụng và sản xuất được khẩu trang từ 1-5 lớp. Các dây chuyền cũng được thiết kế khá nhỏ, thích hợp lắp đặt tại các nhà máy, xưởng sản xuất. Kích thước phổ biến lần lượt là: 7,85 x 3,5 x 1,85m.
Nghe qua thì có vẻ “ngon ăn” nên không ít các thương nhân người Việt đang tới tấp đặt mua và “ôm” tiền lên các cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc chờ nhận hàng.
Việc xuất hiện cơn sốt này đồng nghĩa với việc có thêm một cơn sốt thứ hai, đó là nguyên liệu sản xuất khi phần lớn mặt hàng này đều phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Những nguyên liệu làm khẩu trang y tế gồm: vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn, thanh nẹp mũi, dây đeo, phần lớn được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.
Trước tình hình hiện nay, cộng với năng lực sản xuất sẵn có của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nếu cứ nhập khẩu ồ ạt máy về sản xuất, khả năng lại phải “giải cứu” khẩu trang là hoàn toàn có thể.
Dây chuyền sản xuất khẩu trang. |
Được biết, việc thương nhân đua nhập máy sản xuất khẩu trang xuất phát từ chính thị trường khẩu trang y tế "sốt" hàng diễn ra từ đầu năm đến nay do dịch bệnh, trong đó có bàn tay của các DN nước ngoài và cả trong nước.
Trao đổi với PV, Giám đốc một doanh nghiệp logistics (xin được giấu tên) từng có nhiều năm xuất nhập khẩu hàng hóa với doanh nghiệp TQ cho biết, tất cả dân buôn khẩu trang y tế sang Trung Quốc trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đều chỉ “lãi trên điện thoại” khi phía thương lái Trung Quốc kê giá khẩu trang lên cao ngất ngưởng để gom hàng.
Kịch bản này được các thương lái Trung Quốc áp dụng từ nhiều năm nay đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam nhưng vì có thể có lợi nhuận trước mắt nên không ít doanh nghiệp Việt tỏ ra bất chấp.
Theo lời vị giám đốc doanh nghiệp nói trên, một kịch bản phổ biến là thương lái Trung Quốc đặt mua khẩu trang y tế với giá cao, sau đó lại bán cho người trả giá cao hơn (thường là "chim mồi”). Khi giá đẩy lên cao hẳn thì lô hàng khẩu trang y tế này sẽ rơi vào người mua là nhà buôn Việt.
Nguyên liệu sản xuất khẩu trang có sẵn trong kho của một nhà cung cấp. |
Sau khi Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/02, việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 bắt buộc phải có giấy phép của Bộ Y tế, và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).
Nhiều người buôn khẩu trang đã bị phía thu gom Trung Quốc phạt vì cố tình tìm cách xuất khẩu trang và bị bắt vì vi phạm quy định. Việc gom hàng từ Hà Nội mang lên biên giới để bán cho những người thấy cái lợi là mờ mắt thôi” – vị doanh nhân này cho hay.
Trước đó, trong đợt cao điểm khan hiếm khẩu trang y tế, một người Việt làm việc cho một công ty Trung Quốc cho hay, công ty này đã phải mua một lô khẩu trang từ nhà phân phối Việt Nam với giá 525.000 đồng/hộp.
Do đó, việc xuất khẩu trang chỉ là ảo, trong khi việc nhập máy móc và nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế lại là thật.