Nước Mỹ đã ‘hết ốm’?
Nụ cười đã trở lại với các nhà đầu tư Mỹ. |
Theo nhà kinh tế lão làng Michael Gapen của hãng Barclays Capital, cuộc suy thoái kinh tế Mỹ chính thức bắt đầu vào tháng 12/2007 và đã kết thúc vào tháng 6/2009. Đến nay, nhiều chỉ số quan trọng đã hồi phục nhưng nguy cơ khiến nước Mỹ tái khủng hoảng vẫn còn khá cao.
"Của Cesar đã về với Cesar"
Theo tính toán của các nhà kinh tế, người Mỹ đã mất khoảng 16.000 tỷ USD giá trị tài sản khi kinh tế suy thoái, chủ yếu là do giá nhà và cổ phiếu giảm. Song đến nay họ đã lấy lại được những gì đã mất. Giá trị tài sản ròng của người Mỹ đạt 66,1 nghìn tỷ trong quý IV/2012 và chỉ thấp hơn khoảng 2% so với mức cao nhất đạt được vào mùa Thu năm 2007. Việc giá nhà và giá cổ phiếu liên tục tăng trong năm nay cho phép người Mỹ lấy lại được số tiền đã mất mặc dù nhiều gia đình vẫn chưa lấy lại được hoàn toàn.
Giá trị tài sản ròng của người dân tăng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào bởi nó sẽ quyết định đến việc chi tiêu dùng. Giá trị tài sản ròng được tính bằng giá trị nhà, đầu tư, tài khoản ngân hàng và các tài sản khác trừ đi các khoản thế chấp, các khoản vay của sinh viên và các khoản chi bằng thẻ tín dụng.
Song hành cùng giá trị tài sản ròng tăng là doanh số bán lẻ của nền kinh tế tăng. Chỉ khi nào người ta giàu có thì tiêu dùng mới sẵn sàng và xu hướng này của nước Mỹ đã thúc đẩy sự tăng trưởng việc làm ở các cửa hàng bán lẻ và các nhà hàng. Doanh số bán lẻ của thị trường Mỹ đạt 421,4 tỷ USD trong tháng 2/2013 và nếu tính tới lạm phát, con số này tăng gần 18% so với mức thấp trong thời gian suy thoái và chỉ giảm 0,7% so với mức tăng cao kỷ lục vào tháng 11/2007.
Trên thị trường việc làm, các chuyên gia nhận định rằng hiện nay khả năng mất việc làm là thấp nhất so với bất kỳ thời điểm nào khác trong ít nhất 12 năm qua. Số người thất nghiệp đã tăng từ 1,8 triệu (tháng12/2007) lên 2,6 triệu vào tháng 1/2009 nhưng trong tháng 1/2013, các doanh nghiệp chỉ sa thải 1,5 triệu lao động – mức thấp nhất trong vòng 12 năm. Điều này giải thích cho việc tại sao số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm mạnh qua mỗi tuần, từ mức 667.000 trong tháng 3/2009 (mức cao nhất trong vòng 25 năm) xuống còn 354.000 trong tháng 3/2013 và chỉ cao hơn một chút so với mốc tháng 12/2007 khi cuộc khủng hoảng mới bắt đầu chớm. Dẫu vậy, các chuyên gia cũng thừa nhận thị trường việc làm Mỹ vẫn còn khá bấp bênh và chưa thực sự ổn định.
Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất về suy thoái và số lượng nhà ở bị xiết nợ và số nhà do ngân hàng sở hữu. Hiện giá nhà ở Mỹ vẫn đang tăng, số nhà bị xiết nợ giảm về mức trước suy thoái và số nhà bị ngân hàng tịch biên là 45.000 căn trong tháng 2/2013, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2007 và giảm từ mức đỉnh điểm 102.000 căn trong tháng 3/2010.
Số nhà bị xiết nợ giảm về mức trước suy thoái và số nhà bị ngân hàng tịch biên là 45.000 căn trong tháng 2/2013, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2007. |
Không thể không kể đến “phong vũ biểu” của nền kinh tế là thị trường chứng khoán. Tháng trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã trả lại những gì nhà đầu tư mất trong suốt thời gian xảy ra suy thoái. Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên 6/3 ở mức kỷ lục 14.253,77 điểm, vượt cả mức đỉnh trước đó là 14.164,53 điểm vào tháng 10/2007 và thậm chí còn kết thúc phiên ngày 2/4 ở mức cao hơn là 14.662,01 điểm. Nếu ai đó còn nhớ, ở thời kỳ đáy của cuộc khủng hoảng, chỉ số Dow Jones đã từng có lúc xuống đến mức 6.547,05 điểm trong tháng 3/2009. Cũng trong tháng này, chỉ số Standard&Poor’s 500 ghi kỷ lục 1.570,25 điểm.
Cũng theo các báo cáo của một số tổ chức kinh tế Mỹ, sản lượng kinh tế của Mỹ hiện nay còn nhiều hơn so với khi thoái bắt đầu và đã dừng chân ở mức 13,7 nghìn tỷ USD trong quý IV/2012 (quý IV/2007 là 13,3 nghìn tỷ USD). GDP của Mỹ đã giảm xuống 12,7 nghìn tỷ USD khi suy thoái kết thúc (tháng 5/2009) tuy nhiên GDP bình quân đầu người vào cuối năm 2012 vẫn giảm 1,5% so với các đỉnh trước khi khủng hoảng nổ ra.
Chưa thể yên tâm
Dẫu vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định nền nước Mỹ chưa thể yên tâm “kê cao gối ngủ” bởi nguy cơ tái khủng hoảng vẫn còn hiện hữu. Đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn tạo ra ít việc làm hơn so với tháng 12/2007. Suy thoái kinh tế đã khiến 8,7 triệu người Mỹ mất việc làm, song sau đó mới chỉ có 5,7 triệu việc làm được khôi phục và điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ phải tìm cách để tạo thêm ít nhất 3 triệu việc làm nữa. Số người Mỹ trên 16 tuổi đã tăng 13 triệu, có nghĩa tỷ lệ người Mỹ hoặc đang làm việc, hoặc đang tìm việc làm là nhỏ hơn nhiều so với trước suy thoái. Tỷ lệ người tham gia thị trường lao động giảm từ mức 66% trước suy thoái xuống còn 63,5% trong tháng 2 và là mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Tính đến nay, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ dù đã giảm nhưng vẫn đứng ở mức 7,7%, cao hơn so với mức 5% của thời điểm trước khủng hoảng và chưa có dấu hiệu hạ thêm. Nước Mỹ hiện có 12 triệu người đang mất việc, không bao gồm 2,6 triệu người không có việc làm nhưng không tìm việc làm. Bên cạnh đó, khoảng 8 triệu người đang làm việc bán thời gian nhưng muốn chuyển sang làm việc chính thức. Như vậy, Mỹ hiện đang có khoảng 22,6 triệu người thất nghiệp.
Suy thoái kinh tế đã khiến 8,7 triệu người Mỹ mất việc làm, song sau đó mới chỉ có 5,7 triệu việc làm được khôi phục. |
Thị trường nhà ở Mỹ đang dần hồi phục trong một năm qua song vẫn chưa thể gọi là bình thường. Doanh số bán nhà đã qua sử dụng được điều chỉnh theo mùa trong tháng 2 là 4,98 triệu căn trong khi mức 5,5 triệu căn mới được coi là bình thường. Trong thời gian suy thoái, doanh số bán nhà chỉ đạt 3,8 triệu căn. Tháng trước, cả nước Mỹ chỉ bán được 917.000 căn nhà, tăng so với mức thấp nhất trong thời kỳ khủng hoảng là 478.000 căn xong “còn xa” mới đạt đến mốc 1,5 triệu căn để được coi là thị trường lành mạnh. Giá nhà tăng gần 9% so với mức đáy khủng hoảng, song vẫn giảm 29% so với mức kỷ lục trước suy thoái.
Tại các nhà máy của Mỹ, sản lượng sản xuất chưa thực sự trở về mức ngang bằng so với thời điểm trước khủng hoảng. Cụ thể, sản lượng của tháng 2/2013 giảm 5% so với tháng 12/2007.