Nữ sinh mất cánh tay phải trở thành dược sĩ: "Chỉ cần tâm hồn bạn là nắng thì ngày bão dông cũng hóa trời xanh"
Mất cha mẹ khi mới 8 tuổi, lớp 11 bị tai nạn phải cắt bỏ cánh tay phải, nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Phượng đã kiên trì gắng sức vượt qua bao khó khăn để trở thành dược sĩ với ước mơ giảm nỗi đau cho người bệnh.
Cô gái hồn nhiên trải qua nhiều biến cố khắc nghiệt của số phận. |
Thách thức của số phận
Sinh năm 1999 ở xã Hoàng Châu (huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng), bố mẹ là những ngư dân ngày đêm bám biển, thường xuyên vắng nhà tới cả tháng, từ khi mới 1 tuổi Phượng đã sống cùng bà ngoại và bác gái. Khi Phượng lên 8 tuổi, anh trai 16 tuổi thì bố mẹ đã vĩnh viễn rời xa trong một lần ra khơi. Phượng được bác, sau đó là bà ngoại nuôi dưỡng.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, bà ngoại và cả gia đình là những người luôn sát bên Phượng. Cho đến khi Phượng vào lớp 10, bà ngoại cũng ra đi vì bệnh nặng.
Nỗi đau mất bà chưa nguôi, năm 2016, khi đang học lớp 11, tai nạn kinh hoàng ập đến, Phượng bị gãy chân trái, tay phải dập nát nên phải phẫu thuật cắt bỏ. Thể xác và tinh thần đều tổn thương, tâm lý của cô gái 16 tuổi chao đảo, chông chênh vô định. Đã từng có thời điểm Phượng chán nản muốn buông xuôi tất cả.
“Lúc ấy mình nghĩ mình chẳng còn gì để mất, những người mình yêu thương nhất cũng đã bỏ đi, mình thì bị thế này. Lời trăng trối cũng soạn rồi, thôi thì chết đi cho mọi người đỡ khổ”, Phượng kể lại thời điểm buồn bã, tuyệt vọng nhất.
Không thể đầu hàng
Trong thời gian dài điều trị tại bệnh viện, khi đã bình tĩnh hơn, Phượng “ngộ” ra: “Nếu ông trời đã thử thách thì không thể đầu hàng”.
Nhìn hoàn cảnh những người cùng nằm trong phòng bệnh, cô lại cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người, bởi còn có những người thân trong gia đình đang cố gắng chạy chữa cho mình; bản thân mình còn trẻ, còn cố gắng được.
Không đầu hàng trước thử thách của số phận, cô gái trẻ bắt đầu chuỗi ngày nỗ lực đấu tranh, vượt qua những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Nằm viện 18 ngày, trải qua những lần điều trị đau đớn, đối diện với ánh mắt xót thương của người đời, Phượng đã chấp nhận sự thật: cuộc sống của mình từ nay chỉ còn một bên tay.
Vốn thuận tay phải, giờ mất đi cánh tay ấy, Phượng buộc phải học cách làm mọi việc bằng tay trái để thích nghi với hoàn cảnh. Cô làm quen mọi sinh hoạt và luyện tập viết chữ, quyết tâm tiếp tục đi học.
Ra viện, Phượng kiên trì tập viết chữ và các hoạt động sinh hoạt hằng ngày bằng tay trái. |
Làm việc bằng tay trái đã khó, luyện viết chữ bằng tay trái còn khó hơn gấp bội. Nhiều đêm cánh tay dường như tê liệt, bàn tay đau đớn không thể cầm bút được nữa, thế nhưng, xác định “học mới nên người, học mới mạnh mẽ”, Phượng lại càng quyết tâm trở lại lớp học, dù phải trải qua muôn vàn khó khăn phía trước.
"Khi mới quay lại trường học, nhiều lúc mình chỉ muốn khóc, khóc vì những cơn đau tay dữ dội, khóc vì viết chữ không nhanh để bắt kịp các bạn. Khóc xong, mình lại cố gắng tập luyện vì không thể cứ lấy khiếm khuyết cơ thể làm lý do để lười biếng được" - Phượng chia sẻ.
Đôi khi Phượng cảm thấy tự ti trước ánh mắt thương cảm người khuyết tật của người đời, nhưng với ý chí mạnh mẽ nhất cô lại kiên trì với con đường học hành để chứng minh cho mọi người thấy mình không phải người vô dụng, không đầu hàng số phận.
Từng là học sinh chuyên đi thi vở sạch chữ đẹp, Phượng đã gắng sức rèn luyện viết bằng tay trái, quyết không bỏ dở việc học sau khi bị tai nạn mất tay phải. |
Thế rồi Phượng tốt nghiệp trường THPT Cát Hải. Cô gái trẻ nuôi ước mơ trở thành dược sĩ với mong muốn giảm bớt nỗi đau cho người bệnh nên chọn ngành Dược trường Cao đẳng Y tế Hà Đông để phù hợp với lực học và khả năng đáp ứng cho công việc sau này.
“Thời gian đầu theo học mình rất tủi thân và nhiều lúc đã nản lòng. Mình phải chịu ánh nhìn dò xét của mọi người, cố gắng để hòa nhập với các bạn. Hơn nữa, nhiều tiết học thực hành phải làm bằng hai tay, vì chỉ còn một bên nên mình phải cố gắng gấp đôi so với người khác...
Thế nhưng, được theo đuổi ước mơ chính là niềm vui lớn nhất. Kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là những buổi tham gia trực tiếp điều chế thuốc, mình được trải nghiệm cảm giác như một dược sĩ bào chế thực thụ, được thầy cô bạn bè cổ vũ để vượt qua mọi khó khăn. Lúc đó mình chắc chắn rằng học dược là lựa chọn đúng đắn nhất", Phượng kể về thời sinh viên đầy thử thách với cảm xúc bồi hồi lẫn tự hào.
Hiện tại, Phượng đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Hà Đông sau 3 năm theo học và đang làm việc trong một hiệu thuốc ở Hà Nội.
Tốt nghiệp cao đẳng ngành dược từ tháng 11/2020, hiện Phượng đang làm việc cho một hiệu thuốc ở Hà Nội. |
Muốn sống không chỉ cho riêng mình
"Hiện tại, sinh hoạt hằng ngày hay làm việc mình đều đã thực hiện khá thuần thục bằng tay trái, không còn đau đớn. Mình thấy vui vì mọi người xung quanh nhìn mình như người bình thường chứ không phải là một người khiếm khuyết", Phượng nói.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Phượng mong muốn có thể tham gia thêm nhiều dự án thiện nguyện để giúp đỡ các bạn nhỏ gặp phải số phận không may mắn.
Thanh Phượng tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các em nhỏ tại Bệnh viện K Tân Triều cùng CLB Hoa Ưu Đàm và các bạn sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Đông. |
"Cô gái xinh xắn ấy rất hay cười. Trải qua bao lần mất những người thân yêu và bị tai nạn nặng như thế, Phượng đã vượt lên tất cả bằng nghị lực và bản lĩnh. Không phải ai cũng đủ quyết tâm để vươn đến thành công như thế. Trong cảm nhận của tôi, cô ấy rất giỏi, đáng khâm phục!", chị Hoàn - hàng xóm của Phượng xúc động chia sẻ.
Nhìn lại những biến cố đã qua, Thanh Phượng chiêm nghiệm lại cuộc sống với những suy nghĩ rất lạc quan: "Sau tất cả, mình thấy được nhiều hơn là mất. Lúc mệt mỏi quá, muốn bỏ cuộc, mình đã nghĩ, bỏ cuộc như vậy thật là phí cả "công trình" mà bố mẹ đã hy sinh. Cứ nghĩ rằng đích đến ở phía trước, sắp tới đích rồi thì năng lực tích cực sẽ đến và nhất định sẽ thành công. Chỉ cần tâm hồn bạn là nắng thì ngày dông bão cũng hóa trời xanh. Nếu chỉ có một đời để sống, tôi muốn sống không chỉ cho riêng mình".
Lưu Tuyết