Nữ sinh ăn lá ngón vì không được mua xe máy: Tại sao con dễ chọn "thần chết"?
Mới đây, vụ việc một nữ sinh lớp 7 Trường THCS bán trú Huồi Tụ (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An ăn lá ngón tự tử vì không được bố mua cho xe máy đã khiến dư luận xôn xao.
Được biết, gần đây, nữ sinh này bỏ học và đòi bố phải mua cho xe máy mới chịu đi học tiếp.Thấy con còn nhỏ nên bố em không đồng ý, vì thế dẫn tới việc nữ sinh quyết định ăn lá ngón tự tử. Sau đó dù nữ sinh được đưa vào trạm y tế cứu chữa nhưng không qua khỏi.
Một số trẻ chọn cách tự tử khi không được đáp ứng yêu cầu (ảnh minh họa) |
Chỉ trong vòng 2 tháng qua, bản này đã có đến 3 người tử vong do tự tử bằng lá ngón, tất cả các nạn nhân đều là học sinh lớp 7. Ngoài trường hợp nữ sinh học ở Trường THCS bán trú Huồi Tụ thì 2 trường hợp trước đó theo học tại Trường THCS dân tộc bán trú Bảo Nam.
Theo thầy Nguyễn Tân Phương - Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc bán trú Bảo Nam thì lý do dẫn đến việc các em tự tử đều rất đơn giản. Theo đó, trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 ít tuần, một nữ sinh lớp 7 của trường vì yêu đương bị gia đình ngăn cản nên quyết định ăn lá ngón quyên sinh.
Không lâu sau, một nam sinh lớp 7 nghỉ Tết xong không chịu đến trường, nhà trường và gia đình đã phải vận động rất nhiều em mới chịu đi học tiếp. Tuy nhiên, trên đường đến trường, em này quyết định hái nắm lá ngón bên đường để tự tử.
Các trường hợp tự tử trên đều ở lứa tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý cần sự quan tâm, giáo dục đặc biệt từ gia đình và nhà trường.
Về vấn đề này, cô Nguyễn Phương Anh (Trung tâm tư vấn tâm lý Sư Phạm) cho biết, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em trong bất kì một giai đoạn nào của cuộc đời đều sẽ đối diện với những xung đột tâm lý xã hội xuất phát từ nhu cầu cá nhân.
Trong đó, một số điều có thể giải quyết được, còn một số thì không. Đặc biệt đối với trẻ, khi kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thích ứng còn giới hạn chúng dễ làm những việc tiêu cực như tự làm mình tổn thương, thậm chí là tự tử.
Vì thế, ở những tình huống trẻ thấy bế tắc sẽ có thể kích hoạt suy nghĩ tiêu cực và bùng nổ về cảm xúc, khiến trẻ tìm cách chấm dứt căng thẳng bằng phương án tự tử.
“Những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình, nhất là từ những người thân đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ khỏi suy nghĩ tự tử.
Có lẽ bố mẹ không để ý rằng sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân rằng mình không đơn độc.
Với những đòi hỏi không thỏa đáng của con như đòi mua xe máy, bố mẹ cần giải thích cho con hiểu.
Kể cả những lúc cần mắng con thì cũng tránh việc dùng những từ ngữ nặng nề, chụp mũ cho trẻ một cái tên tiêu cực như "vô tích sự", "đứa đua đòi"... và nên chú ý không dùng phương pháp mỉa mai, hạ nhục nhân phẩm trẻ.
Thẳng thắn ngồi lại nói chuyện cùng con nhưng hãy bắt đầu bằng việc mô tả suy nghĩ cụ thể: “Bố mẹ thấy rằng, bố mẹ nghĩ rằng, bố mẹ mong rằng, bố mong con hãy"….”, cô Phương Anh nói.
Cô Phương Anh cho rằng bố mẹ cũng cần đưa chủ đề tự tử ra nói chuyện với con một cách cởi mở và giúp con vượt qua bế tắc, lấy lại cân bằng cuộc sống.
Hãy nói với con về việc cuộc sống này quý giá đến nhường nào, nếu có thể thì cha mẹ cho con đến các bệnh viện điều trị ung thư để con thấy mình may mắn hơn vạn người khi có một có thể khỏe mạnh, luôn được bố mẹ yêu thương. Cha mẹ cần khẳng định chắc chắn rằng con luôn là tất cả những gì bố mẹ yêu quý nhất.
Nếu thấy những bệnh nhân ung thư đang oằn mình giành giật sự sống trong những cơn đau chắc chắn đứa trẻ sẽ ý thức được sự quý giá của sinh mệnh và bỏ qua ý nghĩ tự tử.
“Ngoài ra bố mẹ cũng nên dành thời gian lắng nghe con và khuyến khích con nói ra, trút bỏ những nỗi đau, sự giận dữ và kể cả bế tắc. Tôi nhắc lại, bố mẹ cần kiên nhẫn và bình tĩnh nếu như con đòi hỏi những điều không hợp lý, tuyệt đối không sỉ nhục, mắng nhiếc trẻ”, cô Phương Anh nói.
Hoàng Thanh