Nông dân lội bùn cấy thuê trong giá rét căm căm, cặm cụi kiếm tiền đón Tết
Dịch vụ cấy thuê đã thành thường lệ, cứ đến mùa gieo cấy số lao động làm dịch vụ này cũng khá đông. Công việc khá vất vả nhưng mỗi ngày nhiều người đã kiếm thêm một khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống.
Dịp này, tại những xứ đồng trũng vùng Bắc Yên Thành hay huyện Diễn Châu (Nghệ An), bà con nông dân đang tranh thủ xuống đồng để gieo cấy. Mỗi mùa vụ gieo cấy thường diễn trong vòng 10-15 ngày, vì vậy nhiều gia đình neo người phải thuê người cấy.
Từ sáng tinh mơ, nhiều chủ ruộng có nhu cầu thuê người cấy đã có mặt trên những tuyến đường chính để đón từng tốp thợ cấy, tiếng í ới gọi nhau râm ran cả một vùng.
Đến mùa vụ, nhiều gia đình neo người phải thuê người cấy. |
Ghi nhận tại cánh đồng giáp ranh giữa xã Lăng Thành và Phú Thành (huyện Yên Thành), một nhóm 5 người phụ nữ đang chăm chỉ cấy lúa. Họ là những người ở xã khác trên địa bàn được chủ ruộng lúa thuê cấy.
Đi cấy gần một tuần nay, bà L.T.N (60 tuổi, trú xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) cho biết, thường ngày chúng tôi phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị cơm nước, sắp xếp việc nhà… rồi gọi nhau tập hợp 4 – 5 người cùng đi. Đi cấy gần nhà thì không cần phải mang cơm đi ăn trưa, chỉ cần mang theo nước, găng tay cao su, ủng. Còn ở xa thì phải mang cơm đi ăn trưa giữa đồng để cấy cho ấm rồi về sớm.
“Đi cấy quần quật cả ngày, buổi trưa có chị thì ở lại tại đồng ăn cơm, còn có người lại chạy về nhà tranh thủ vì có con nhỏ. Rồi hơn 13h, mọi người lại có mặt đầy đủ để tiếp tục gieo cấy cho chủ nhà. Mỗi ngày cấy thuê thế này cũng kiếm được 300.000 đồng, thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, bà N. chia sẻ.
Người thì lấy mạ, người thì cắm cúi cấy để hoàn thành công việc.
Theo bà H.T.Th. (59 tuổi, trú xã Lăng Thành), xứ đồng này là vũng trũng, người nông dân phải làm đất, gieo cấy từ sớm để cho kịp vụ, tránh bị ảnh hưởng bởi thiên tai. ''Gia đình tôi có gần 8 sào ruộng, nhà lại không có người nên phải thuê cấy cho kịp với bà con, mỗi ngày tiền công trả cho mỗi thợ cấy là 300.000 đồng'', bà Th nói.
Cách ruộng bà Th. không xa, một nhóm thợ cấy đang tranh thủ “lót dạ” kẹo bánh, uống nước giữa buổi để chống đói. Chị N.T. (trú huyện Yên Thành) chia sẻ, nhà chị còn con nhỏ nhưng ngày nào cũng phải gửi con sớm để đi cấy thuê, kiếm thêm thu nhập.
“Đi cấy cũng vất vả lắm, suốt ngày lội dưới ruộng bùn, gặp ruộng cạn thì không sao chứ ruộng sâu trũng thì mệt lắm, chân lết không nổi. Làm việc cả ngày, còng lưng nên tối về đến nhà ăn cơm là lăn ra ngủ liền”, chị T. bộc bạch.
Một nhóm thợ cấy đang tranh thủ “lót dạ” giữa buổi ngay tại cánh đồng. |
Nhiều thợ cấy khác cho chúng tôi biết, thời tiết dịp này thất thường, có hôm trời hửng nắng thì không sao, nhưng khi rét buốt lại phải mang theo chậu lửa đi để hơ tay khi bị cóng. Mọi người chỉ dành khoảng 30 phút để ăn trưa, nghỉ ngơi rồi cấy tiếp, vì dịp này nhu cầu thuê thợ cấy đang rất nhiều nên phải tranh thủ kiếm tiền sắm Tết.
Khi trời nhá nhem tối, thợ cấy kết thúc công việc để trở về nhà. Ngày công của mỗi chị em làm nghề cấy thuê được trả dao động từ 300.000 – 350.000 đồng/ngày, tùy theo từng xứ đồng, ruộng sâu trũng.
“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vất vả, mệt nhọc quần quật cả ngày nhưng trên ánh mặt của những người thợ cấy vẫn nở những nụ cười, bởi có công việc là có thêm thu nhập, cái Tết của gia đình sẽ no ấm, đủ đầy hơn.
Những người thợ cấy kết thúc công việc khi trời nhá nhem tối, tiền công mỗi người được nhận là 300.000 đồng mỗi ngày.
Bảo Trâm