Nỗi nghẹn ngào của nữ giáo viên bị thôi việc sau 14 năm dạy hợp đồng

14 năm trôi qua, tôi vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng. Đến một ngày, tôi cùng với mấy trăm người ở một địa phương bị cắt hợp đồng. Cũng như tất cả mọi người, tôi hụt hẫng và bế tắc...

LỜI TÒA SOẠN

Đại diện GD-ĐT cho biết, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên và con số này tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân một phần là do số trẻ đi học tăng lên nên yêu cầu về giáo viên cũng tăng.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng có một nghịch lý là giáo viên thiếu nhưng nhiều nơi cử nhân không xin được việc. Nhiều câu chuyện trong Tuyến bài Giáo viên: Nơi thiếu, nơi không xin được việc, nghỉ việc của VietNamNet đã minh chứng điều này. 

Những ngày qua, tuyến bài nhận được rất nhiều ý kiến, chia sẻ của độc giả khắp cả nước. VietNamNet xin tiếp tục giới thiệu đến quý độc giả chia sẻ của nữ giáo viên 15 trong nghề. Đến nay, chị đã phải dừng công việc "gõ đầu trẻ" dù vẫn khao khát được trở về với bục giảng, về với những ánh mắt của học trò. 

Ngày ấy, tôi là sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ Văn ở một tỉnh xa. Mẹ tôi mất sớm. Thương bố và các anh, chị em nên học xong, tôi kiên quyết không ở lại dự tuyển công chức giáo viên mà chia tay thầy cô và bạn bè rồi lên đường về quê. 

Nghiêng vai xách cái vali nặng trĩu nhưng trong đó không có gì ngoài sách. Vài bộ quần áo tôi đã cho gọn vào túi đeo bên hông. Rời xa nơi gắn bó gần 4 năm tôi cũng buồn, lưu luyến nhưng không ai biết được trong tôi còn có cả sự háo hức.

Về quê có thể chỉ là một giáo viên hợp đồng với mức lương không cao nhưng đổi lại hàng ngày, tôi được nhìn, cùng ăn bữa cơm với bố, anh, chị em... Ròng rã hai ngày một đêm tôi cũng về được đến nhà.

w dannang2 1 228.jpg
Học sinh tiểu học tại Đà Nẵng trong lễ khai giảng năm học mới (Ảnh minh họa: Hồ Giáp)

Việc đầu tiên tôi làm sau khi về đến nhà ít phút là thắp hương cho mẹ. Tôi muốn báo cho mẹ biết rằng, những ngày qua thật vất vả nhưng tôi cũng đã về đích. Trong tay tôi là tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp loại Khá. Từ nay, tôi sẽ được người ta gọi là cô giáo. 

Tôi đi dạy hợp đồng. Để con gái bắt đầu sự nghiệp nhà giáo của mình, bố đã mua cho tôi một chiếc xe đạp Thống Nhất. Tôi phấn khởi dắt xe ra, cho tờ quyết định vào cặp, rồi bắt đầu đi. Nhà cách trường 20km nhưng tôi không cảm thấy xa quá. Mỗi ngày, buổi sáng tôi đều rời nhà từ 6h kém và có mặt ở trường trước 7h. 

Vì tôi ở xa nên ban giám hiệu nhà trường cũng linh động xếp cho tôi từ tiết thứ 2 mỗi buổi dạy. Hôm nào không có tiết buổi chiều, dạy xong tiết cuối, tôi sẽ đạp xe về nhà. Nếu có tiết dạy buổi chiều, hôm đó tôi mượn chìa khóa văn phòng của bác bảo vệ và nghỉ trưa tại đó. Trường đông lớp, nên mỗi tuần tôi dạy 18 tiết. Mới ra trường nhịp độ làm việc như vậy, với tôi có lẽ là hơi quá sức. 

Lãnh đạo nhà trường thấy tôi đi lại xa, vất vả nên cho tôi và một đồng nghiệp nữa mượn một phòng của khu tập thể để ở lại. Tôi về nhà chọn vài cái xoong con, vài cái bát, vài đôi đũa, mang theo một cái bếp dầu, cái nồi cơm điện kèm vài thứ gia vị mắm, muối... đưa đến trường. Vẫn vất vả và thiếu thốn nhưng tôi tự nhủ sẽ cố gắng vì rất đỗi yêu nghề. 

Ngày còn là sinh viên, bạn bè của tôi thường đầu tư cho quần áo và giày dép, son phấn và những chuyến đi picnic. Còn tôi vì cuộc sống thiếu trước hụt sau nên ngoài thời gian học chính, học phụ tôi đi làm gia sư, phụ giúp bán hàng ở chợ. Dư được đồng nào, tôi mua sách và photo tài liệu. 

Mức lương hợp đồng của tôi được trả theo quyết định là 330 nghìn/tháng. Khi nhận tháng lương đầu tiên, tôi rất vui. Bao dự định được tôi vạch ra trong đầu. Dành dụm mua cho các cháu mỗi đứa bộ quần áo, nghỉ hè xong sẽ mua cho các cháu mỗi đứa một bộ sách giáo khoa kèm vở viết, đồ dùng học tập cho cả năm học... 

Nghiệp nhà giáo cũng không phải chỉ có chữ vinh. Kì thao giảng định kì, với những giáo viên vừa ra trường như tôi thường có ban giám hiệu và các giáo viên gạo cội của trường dự giờ. Tôi vui vì được cầm phấn đứng trên bục giảng. 

Nhưng tôi cũng buồn vì sau bao năm miệt mài đèn sách các thầy cô dự giờ xong vẫn đánh giá giờ dạy chưa đạt yêu cầu. Lúc nghe nhận xét, tôi buồn lắm, nước mắt chực rơi ra. Nhưng sau đó, xốc lại tinh thần, tôi tập trung và đầu tư cho chuyên môn hơn. Vì rất yêu nghề, tôi hy vọng những lời nhận xét được nghe sau này sẽ nhẹ nhàng hơn... 

Cái gì cũng có giá của nó, nếu lười biếng sẽ khó thành công. Thời gian trôi đi, những giờ dạy của tôi được khen nhiều hơn. Không ai biết được tôi vui như thế nào. Bằng tất cả tình yêu và tự hào, tôi dồn hết tâm huyết cho việc giảng dạy. Trong giờ dạy tôi rất nghiêm khắc, ra khỏi lớp, tôi trở lại là một người chị thuần túy của các học trò. 

Buổi chiều khi hết giờ dạy, tôi ra sân chơi đá cầu, nhảy bậc với bọn trẻ. Tiếng cười chúng tôi rộn một góc sân trường. Từng chuyến đò sang sông cập bến, mỗi lứa học sinh tốt nghiệp ra trường là một lần năng lực chuyên môn của tôi được hội đồng nhà trường và người dân địa phương ghi nhận. Vì yêu nghề, tôi làm được điều đó nên càng rất đỗi vui mừng. 

Tôi lập gia đình và vẫn là một cô giáo dạy hợp đồng. Cứ nghĩ rằng "có con thì non việc" nhưng vẫn như ngày nào, tôi vẫn như một con ong chăm chỉ, cần mẫn tận tụy, miệt mài trong từng trang giáo án và từng tiết dạy.

Lương mỗi tháng là hệ số lương cơ bản rất nhỏ, rất nhỏ. Nhưng tôi tạm bằng lòng. Tôi tự nhủ: Cứ được dạy hợp đồng mãi như thế này cũng tốt... Đồng lương ít ỏi, cùng với tiền được nhà trường trả khi tham gia dạy buổi hai cũng gần đủ trang trải sinh hoạt cho mẹ con tôi. Tôi cũng đâu có đòi hỏi gì hơn.

14 năm trôi qua, tôi vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng... Rồi thời thế thay đổi, mỗi lãnh đạo một cách thức làm việc, tôi cùng với mấy trăm người ở một địa phương bị cắt hợp đồng bởi một quyết định của lãnh đạo mới. Cũng như tất cả mọi người, tôi hụt hẫng, bế tắc, tức tưởi khi bị nghề bỏ rơi.

Gần 15 năm trời chỉ biết cầm phấn... Khi rời viên phấn, biết làm gì để sống? Suy nghĩ này không chỉ của riêng tôi và mấy trăm giáo viên bị cắt hợp đồng mà còn là suy nghĩ của cả những người thân, bạn bè của tôi. Chúng tôi chạy đôn chạy đáo xin vào công ty thì bị từ chối, vì "các chị là cô giáo, chưa từng lao động ở cường độ cao, các chị không làm được đâu, nên chúng tôi không nhận hồ sơ được"... 

Đã 6 năm trôi qua từ ngày bị mất việc, trong tôi vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề. Mỗi khi có bé hàng xóm cầm vở đến hỏi bài, tôi vẫn giảng hăng say, như bị mắc bệnh nghề nghiệp. Nhà  trước cổng trường, tôi vẫn thổn thức mỗi khi nghe tiếng trống trường. Trong giấc mơ, tôi vẫn mơ thấy mình vẫn đang đi làm như mọi đồng nghiệp. Tôi mơ thấy mình vẫn được xách cặp lên lớp và đứng trước những ánh mắt ngây thơ trong trẻo của học trò... 

Bao dự định cùng ước mơ còn dang dở, đành khép lại. Sau nhiều năm rời bục giảng, lòng tôi vẫn kiên định một điều rằng nếu quay trở lại, tôi vẫn chọn con đường này.

Trần Thị Biên (Giáo viên 15 năm công tác tại Thanh Hóa)

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn. 

Học sinh nhiều năng lực, có khát vọng nhưng thiếu định hướng

Theo PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương Đỗ Duy Hưng, nhiều học sinh có năng lực và khát vọng nhưng thiếu định hướng dẫn đến lựa chọn sai nghề nghiệp, gây lãng phí.

Cô giáo xin mua laptop: Chỉ những phụ huynh có ăn học mới thích tôi

Liên quan vụ cô giáo xin mua laptop, trong cuộc họp với lãnh đạo Trường Tiểu học Chương Dương, cô Trương Phương Hạnh lớn tiếng nói chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích cô.

Cô giáo xin phụ huynh mua laptop: Tôi bị phụ huynh phản ánh vì không nhận tiền

Cô Trương Phương Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Chương Dương cho rằng, cô bị phụ huynh phản ánh vì không nhận tiền mua laptop, còn nếu nhận của phụ huynh thì mọi chuyện đã không xảy ra.

Hàng nghìn sinh viên bị 'giam' bằng tốt nghiệp do vướng chuẩn đầu ra tiếng Anh

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) khiến hàng nghìn sinh viên chậm nhận bằng tốt nghiệp mỗi năm. Có sinh viên chậm 1-2 tháng nhưng cũng có sinh viên sau khi xét tốt nghiệp nhiều năm mới được nhận bằng.

‘Giáo viên dạy tiếng Anh lắp bắp khi giao tiếp với người nước ngoài’

Tôi đã từng chứng kiến một giáo viên dạy môn tiếng Anh THPT trong dịp giao lưu với đồng nghiệp Mỹ đã lắp bắp rồi lặng như tờ. Điều đáng nói đây không phải là trường hợp cá biệt.

Bỏ ngành Y để thi lại, 9X giành học bổng toàn phần châu Âu

Từng đỗ vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TPHCM nhưng khi vào học, Khang không cảm thấy phù hợp. Nam sinh quyết định thi lại, sau đó từng bước chinh phục ước mơ của bản thân.

7 năm, thầy giáo về hưu may trăm bộ áo dài tặng các nữ sinh nghèo

Suốt 7 năm qua, 3 thầy cô giáo ở Quảng Ngãi đã may hàng trăm bộ áo dài, tặng cho các nữ sinh nghèo để các em không phải lo lắng vì không có đồng phục mặc đến lớp.

Vượt các nam sinh, cô gái xinh xắn trở thành thủ khoa ngành công nghệ kỹ thuật

Không chỉ vượt qua các nam sinh để trở thành thủ khoa tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật khuôn mẫu, Dư Thị Kiều Trinh còn được vinh danh là sinh viên tiêu biểu của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2024.

Không đi học thêm, con tôi 'lĩnh đủ'

Từ chối học thêm hè, con tôi gặp khó khăn khi vào năm học mới. Cô hay hỏi những câu khó, thậm chí ngày nào cũng gọi con lên bảng làm bài tập, không làm được là cô bắt chép phạt khiến con lo sợ, ám ảnh.

'Học sinh phải đi học thêm có thu được kết quả tương xứng?'

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, rất khó để kiểm soát, đảm bảo những học sinh tham gia học thêm sẽ thu hoạch được chất lượng như mong muốn.

Đang cập nhật dữ liệu !