Nới lỏng giãn cách xã hội, làm sao tránh bài học như Singapore?
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng Việt Nam cần tránh bài học như Singapore khi quốc đảo này từng được xem như hình mẫu về chống dịch Covid- 19, nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 9.000 ca mắc.
Nới lỏng giãn cách xã hội, làm sao tránh bài học như Singapore? |
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước, trừ một vài khu vực có nguy cơ cao ở Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh nhưng khuyến cáo nâng cao trách nhiệm chống dịch.
Thủ tướng cũng giao Chủ tịch tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định việc mở cửa hàng, các hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, lãnh đạo địa phương phải xác định nguy cơ cụ thể của từng nơi trên địa bàn để có giải pháp cho phù hợp. Nhưng lưu ý với những nơi nguy cơ cao, không được kinh doanh trên đường phố. “Nới lỏng giãn cách xã hội nhưng không phải là dịp đổ ra đường ăn mừng”, Thủ tướng lưu ý và khuyến cáo nâng cao trách nhiệm người dân trong phòng, chống dịch.
Chia sẻ thêm về nội dung này, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đầu tháng 3, Singapore chỉ có hơn 100 ca Covid-19, được xem là một trong những hình mẫu về chống dịch. Tuy nhiên, đến nay số mắc tại quốc đảo này đã vọt lên con số hơn 9.000 ca mắc, 11 người tử vong.
Tại Việt Nam, đến nay ghi nhận 268 ca mắc. Tình hình dịch tại nước ta có những tín hiệu khả quan. Đã 7 ngày chúng ta không ghi nhận ca mắc mới, một số ổ dịch đã khống chế được, tình hình các ca bệnh xâm nhập hoặc lây lan đều đã được khống chế.
Tuy nhiên từ ngày 23/4, khi các tỉnh thành hết thời hạn cách ly xã hội, một số hình thức kinh doanh, dịch vụ sẽ được cho phép hoạt động trở lại nhưng TS Trần Đắc Phu lưu ý, “tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Thế giới có những nơi vẫn còn xảy ra hàng trăm người chết, hàng ngàn người bệnh trong một ngày. Vì thế, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam vẫn còn”.
Theo ông Phu khi nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép hoạt động kinh doanh trở lại thì cần có quy định cụ thể loại hình nào được hoạt động, điều kiện hoạt động như thế. Hiện nay đã có quy định cho các xí nghiệp. Nhiều xí nghiệp đã làm rất tốt như đo nhiệt độ của công nhân, bố trí ngồi cách nhau, kể cả ăn cơm cũng phải cách nhau, đeo khẩu trang…
Tuy nhiên, TS Phu lưu ý tại khu nhà ở của công nhân cũng phải có quy định tối thiểu. Trong đó, quan trọng là phổ biến tuyên truyền để công nhân biết được cách phòng bệnh, quan trọng nhất là đeo khẩu trang, hạn chế sự tiếp xúc giữa các nhà công nhân, nhóm dân cư khác nhau với nhau. Trong một gia đình vẫn phải tiếp xúc gần nhưng gia đình này với gia đình khác, không cần ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Trường hợp nào có dấu hiệu bệnh thì phải được khám, điều trị, làm sao phòng bệnh tối đa. Phổ biến kiến thức và ý thức của công nhân là vô cùng quan trọng.
“Điểm rất quan trọng là tránh bài học như Singapore chủ quan, cứ nghĩ rằng dịch chỉ ở đối tượng này mà bỏ sót đối tượng lao động nhập cư. Chúng ta phải làm sao phát hiện được ca bệnh đầu tiên tại những chỗ nguy cơ cao như thế, nếu có phải khoanh vùng, dập dịch ngay sẽ khống chế được ổ dịch”, TS Phu phân tích.
Bên cạnh đó là khu ký túc xá cho sinh viên, học sinh trung học cũng cần lưu ý, việc phòng bệnh đặt lên hàng đầu. Nếu chúng ta chỉ chú ý ở lớp, trường mà không tập trung chỗ ăn, chỗ ở của các em thì bệnh có thể rất dễ lây lan trong môi trường đó.
“Vừa qua Singapore có sự bùng phát dịch bệnh ở khu lao động tự do, người nhập cư là như vậy. Chúng ta cần tránh bài học như Singapore chủ quan, cứ nghĩ rằng dịch chỉ ở đối tượng này mà bỏ sót đối tượng lao động nhập cư. Chúng ta phải làm sao phát hiện được ca bệnh đầu tiên tại những chỗ nguy cơ cao như thế, nếu có phải khoanh vùng, dập dịch ngay sẽ khống chế được ổ dịch”, TS Phu cho biết.
Theo chuyên gia, qua giai đoạn giãn cách xã hội, ý thức của người dân được nâng cao, ra đường gần như 100% người dân đeo khẩu trang. Nhưng TS Trần Đắc Phu cũng lo ngại sự chủ quan của người dân.
Khi thời gian qua, giai đoạn dịch căng thẳng thì người dân, chính quyền thực hiện rất nghiêm chỉnh, nhưng dịch lui thì chủ quan lại tăng lên. Vì thế, theo TS Phu cần phải tuyên truyền, tình hình dịch còn phức tạp.
“Chúng ta thành công nhưng nếu chúng ta không làm tốt thì dịch không loại trừ một ai, một người mắc có thể xảy ra người khác mắc. Vì thế người dân đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần, không đi ra ngoài khi không cần thiết đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền, không tập trung đông người... Trường hợp sốt ho, khó thở mệt mỏi không biết do nguyên nhân gì, không phải do lao động thì phải báo cơ quan y tế”, ông Phu nhấn mạnh.
Hết cách ly xã hội, những dịch vụ nào ở Hà Nội được hoạt động trở lại?
"Tất cả các lễ hội, hoạt động thể thao, tập trung đông người, sinh hoạt tôn giáo vẫn chưa được hoạt động, trước mắt phải dừng đến 30/4 chờ thông báo mới. Với các cửa hàng ăn, khi mở cửa trở lại thì phải xếp bàn ghế giữ khoảng cách".
N. Huyền