Nội bộ bất đồng, Anh đang cố tình trì hoãn Brexit?
Nội bộ bất đồng, Anh đang cố tình trì hoãn Brexit? |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức mới đây, 27 quốc gia thành viên EU đã từ chối thực hiện các cuộc thảo luận không chính thức về Brexit với Thủ tướng Anh Theresa May. Ngoài ra, Thủ tướng Anh cũng không được mời đến dự bữa tối theo truyền thống mà ở đó, theo giới truyền thông, khi Thủ tướng Anh vắng mặt, lãnh đạo các quốc gia EU đã thảo luận về “cuộc ly dị” với London.
Theo các chính trị gia Anh trao đổi với hãng “Tin tức” của Nga, Chính phủ Anh cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch gì về việc rút khỏi EU vì nội bộ Anh đang có những bất đồng đáng kể. Ngoài ra, nhiều chính trị gia trước đó rất tích cực ủng hộ Brexit nhưng hiện lại cố gắng trì hoãn quá trình bắt đầu đàm phán với Brussels. Theo các chính trị gia này, việc giải quyết triệt để các tranh cãi giữa Brussels với London và việc ổn định mối quan hệ này sẽ mất ít nhất 20 năm.
Trong vòng 2 năm gần đây, Anh đã tổ chức 2 cuộc trưng cầu dân ý. Nếu như cuộc trưng cầu dân ý về khả năng đưa Scotland tách khỏi Vương quốc Anh diễn ra theo kết quả thuân lợi thì cuộc trưng cầu dân ý về Brexit lại đặt Chính phủ Anh trước nhiệm vụ hết sức phức tạp.
Việc thực hiện ý nguyện của người dân là điều cần làm nhưng vấn đề đặt ra là sẽ phải làm như thế nào thì hiện bà Theresa May và ê kíp của mình vẫn chưa hình dung ra.
Theo thành viên Công đảng Anh và là nghị sỹ châu Âu từ năm 1999 David Matrin thông tin cho “Tin tức” rằng dù các chính trị gia ở Anh và châu Âu đang yêu cầu bà Theresa May đưa ra các bước đi cụ thể để thực hiện Brexit nhưng bà Theresa May hiện tại chưa thể đáp ứng được yêu cầu này.
Nguyên nhân là do Chính phủ Anh vẫn chưa xây dựng được kế hoạch sơ bộ về vấn đề này. Sự chậm trễ này của Chính phủ Anh đang có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến kinh tế Anh và đồng Bảng Anh đã bắt đầu mất giá trị.
Theo David Matrin, sở dĩ Chính phủ Anh chưa xây dựng được kế hoạch sơ bộ về Brexit là do mâu thuẫn trong nội bộ Anh về các điều kiện thực hiện Brexit.
Một số chính trị gia cho rằng quá trình “ly hôn” với Brussels cần phải thực hiện một cách đẩy đủ và Anh sẽ rời thị trường chung châu Âu. Một số chính trị gia khác lại cho rằng điều đó sẽ là thảm họa với nền kinh tế Anh.
Các chính trị gia này cho rằngAnh vẫn phải duy trì các mối quan hệ kinh tế gần gũi với EU, vẫn ở trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hoặc ký kết với EU một hiệp định đặc biệt như Thụy Sỹ đã làm.
Phức tạp càng gia tăng khi EU sẽ không cho phép Anh giữ được các lợi thế như một thành viên EU. Do đó, Anh sẽ phải thống nhất kế hoạch của mình với các thành viên EU.
Ngoài ra, theo David Matrin, Anh sẽ chỉ có thể tiến hành các đàm phán tích cực về tương lai quan hệ với EU sau khi kích hoạt điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon (về rút khỏi EU). Trong khi đó, quá trình khắc phục tất cả các hậu quả và giải quyết các tranh cãi về Brexit có thể kéo dài đến 20 năm.
Thủ tướng Anh Theresa May. |
Cũng theo một nguồn tin khác tiết lộ với “Tin tức”, Chính phủ của đảng Bảo thủ Anh hiện nay vẫn chưa chuẩn bị gì cho sự kiện Brexit vì giới lãnh đạo Anh đang có những bất đồng sâu sắc về các điều kiện thực hiện Brexit.
Lực lượng cánh hữu trong Chính phủ Anh ủng hộ phương án hủy bỏ hoàn toàn sự liên kết với thị trường chung và liên minh thuế quan của EU, cấm tự do đi lại và hủy bỏ khả năng làm việc với Tòa án EU.
Trong khi đó, lực lượng theo chiều hướng cánh tả phản đối kịch bản này vì cho rằng điều đó sẽ đem lại những hậu quả không thể khắc phục cho giới doanh nghiệp Anh vì giới doanh nghiệp Anh đang hoạt động ở châu Âu theo các điều kiện chung và không gặp bất cứ rào cản nào.
Mâu thuẫn trong nội bộ Chính phủ Anh cho thấy cho đến nay, Chính phủ Anh vẫn chưa thể có chiến lược rõ ràng về Brexit và điều này sẽ làm suy giảm lòng tin và mong muốn của giới doanh nghiệp đầu tư vào Anh.
Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon sẽ phải được kích hoạt trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về các điều kiện đưa Anh ra khỏi EU. Sau đó, Anh sẽ có 2 năm để hoàn thành các cuộc đàm phán với EU.
Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thì thời hạn này có thể kéo dài hơn khi nhận được sự đồng ý của các thành viên EU. Nếu quốc gia thành viên EU nào đó từ chối tạo cho Anh khả năng này thì khi đó, Anh sẽ buộc phải đứng ngoài EU và sẽ phải trả thuế suất 45% cho hàng hóa xuất sang EU.
Còn theo nghị sỹ châu Âu thuộc đảng “Độc lập” của Anh Margaret Parker, rất nhiều người trước đó đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, trong đó có cả người dân thường và các chính trị gia, hiện đang cảm nhận được các rủi ro khi Anh thực hiện Brexit.
Chính vì vậy, quá trình kích hoạt điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon đang bị trì hoãn cho dù đến cuối tháng 3/2017, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ vẫn phải bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với Brussels về Brexit.