Nín thở chờ MXH Lotus của người Việt ra mắt chính thức
Theo thông báo của VCCorp, MXH Lotus được thành lập, đầu tư và triển khai bởi VCCorp, với sự tham gia góp vốn hoàn toàn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước.
Lotus là một MXH lấy nội dung làm trọng tâm, tạo nên một nền tảng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng.
Đặc biệt, người tham gia MXH Lotus sẽ được tiếp cận với những trải nghiệm mới lạ, được nhận token khi sử dụng, tiêu token theo những cách hữu ích và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, cũng như tham gia các thử thách, nhiệm vụ, nhận quà.
Mỗi người có thể sử dụng token theo cách khác nhau, trong đó có cách đặc biệt là nếu thấy nội dung hay, người dùng có thể tiêu token cho nội dung đó, qua đó sẽ có nhiều người biết đến nội dung mà người dùng muốn giới thiệu. Nhà sản xuất nhờ đó cũng có được nhiều fan và kiếm được nhiều tiền hơn.
Lotus được phát triển bởi hơn 200 kỹ sư công nghệ của VCCorp trong các lĩnh vực di động, AI, Big Data, Cloud Computing…
Lotus sẽ là MXH xoay quanh nội dung, lấy nội dung làm thế mạnh để phát triển. |
Không bao giờ bán cho nước ngoài
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp: Dự án đã huy động được hơn 700 tỷ đồng từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. Giai đoạn đầu dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ đồng để sẵn sàng nguồn lực cho việc phát triển lâu dài.
Dự kiến, để có thể chạy được MXH của người Việt, giai đoạn đầu tư ban đầu lên đến 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi chưa có buổi họp báo và Lễ ký kết chính thức, VCCorp chưa thể công bố thông tin cụ thể về các nhà đầu tư.
“Tốt nhất là phải chuẩn bị thật nhiều tiền cho một kế hoạch lâu dài. Với số tiền đã gọi được, chúng tôi có khoảng 1-2 năm không phải nghĩ về tiền. Đơn giản như hôm nay (20/8) khi thông tin về Lotus được hé lộ đã có vài người đề nghị được góp tiền”, ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ.
Đồng thời CEO của VCCorp khẳng định, sẽ không bao giờ bán lại Lotus cho đối tác nước ngoài, cho dù có nhận được lời đề nghị hấp dẫn. “Bán xong thì mình làm gì? Mình cần là làm cái MXH này chứ không phải cần kiếm một khoản tiền”, ông Tân nói.
Cũng theo ông Tân, ngoài nguồn vốn ban đầu thì còn một nguồn tài chính giàu tiềm năng đó là quảng cáo. Dự kiến sau khoảng 1 tháng Lotus đã có thể có doanh thu quảng cáo trên Lotus (do Admicro, một đơn vị thuộc VCCorp làm đầu mối).
Khi được hỏi liệu VCCorp đã chuẩn bị cho kịch bản sau 1-2 năm sẽ hết tiền đầu tư, “Cha đẻ” của Lotus nửa đùa nửa thật: “Tại sao không nghĩ rằng, sau 1 năm chúng tôi sẽ có được 1.200 tỷ?”
Theo chia sẻ của ông Tân, với MXH như Lotus, nội dung sẽ quyết định tất cả, do vậy chi phí lớn nhất để phát triển MXH là chi cho các đối tác làm nội dung và chi cho việc marketing, nhất là giai đoạn đầu chưa có nhiều người dùng.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp. |
Va chạm thực mới biết dở hay tốt
Với một MXH mới, nhất là còn nhiều nghi ngại từ người dùng vốn chưa quen với sản phẩm công nghệ của người Việt, việc sáng tạo nội dung để hấp dẫn người dùng là vô cùng quan trọng.
Trước lo ngại của người dùng mạng xã hội trong vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và các vấn đề liên quan, CEO của VCCorp khẳng định, sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo bí mật thông tin người dùng nên sẽ không có chuyện MXH Lotus để lộ dữ liệu người dùng. |
Không chỉ từ người dùng nói chung, các nội dung trên Lotus còn được tạo bởi các nhà sản xuất chuyên nghiệp.
Đội ngũ phát triển Lotus đang làm việc với hàng trăm đơn vị cung cấp nội dung khác nhau, từ các ngôi sao giải trí, hoa hậu, đơn vị sản xuất video, đơn vị sản xuất nội dung giải trí, một số báo, kênh truyền hình… để khi ra mắt bản thử nghiệm vào ngày 16/9 đã có lượng nội dung nhất định phục vụ người dùng.
Được biết, trong một vài ngày tới VCCorp sẽ công bố đối tác hợp tác về nội dung cũng như đối tác doanh nghiệp.
Lotus cũng sử dụng AI để chọn lọc, “truy tìm” những nội dung vi phạm như: bán hàng giả, đa cấp, lừa đảo, tin giả,… hoặc khi người dùng post lên một bản đồ sai, Lotus sẽ cũng có thuật toán để phát hiện và xử lý kịp thời.
“Tất nhiên tôi không nghĩ sẽ kiểm soát được 100%, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để tỷ lệ kiểm soát được cao nhất có thể” – ông Nguyễn Thế Tân cam kết.
Được biết, VCCorp dự kiến sẽ chạy bản dùng thử (beta) trong khoảng 3-6 tháng. Đây là khoảng thời gian để đội ngũ kỹ sư “nhặt sạn” về mặt công nghệ và tính năng cho Lotus.
“Bản beta là bản dùng được, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều cái chưa được “mượt mà”, mình sẽ phải làm sạch sạn. Ngoài ra còn có một số thứ bây giờ ngồi nghĩ thì thấy hay, nhưng sau khi lên thực tế mới biết được. Khi mình đưa vào thực tế, người dùng va chạm thực thì mới biết được dở hay tốt”.
Hiện tại VCCorp chưa đưa ra thời điểm cụ thể nào để đạt được số lượng người dùng nhất định. Nhưng có 3 mốc quan trọng mà MXH non trẻ này cần phải vượt qua. Mốc đầu tiên là 4 triệu người dùng hàng ngày (Daily Active Users - DAU), mốc này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó chứng tỏ giải pháp kỹ thuật đủ mạnh, đồng thời chứng minh MXH này tạo nên sức hút nhất định. Hai mốc tiếp theo lần lượt là 20 triệu DAU và 50-60 triệu DAU.
Cũng theo ông Tân, khi ra MXH mới, việc cần làm trước tiên là xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến trúc phần mềm phải đảm bảo tính mở rộng. Còn thực tế, nó tốt đến đâu thì phải chờ đến ngày ra mắt chính thức mới nói được.