Những vũ khí viện trợ đã ra trận cùng QĐVN trong trận Điện Biên Phủ

Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 1 trung đoàn pháo cao xạ 37mm, xe vận tải và vật tư quân y; Trung Quốc trang bị vũ khí cho một số đơn vị bộ binh, pháo binh và vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho VN

Ngày 20/1/1950, một tuần sau khi CHND Trung Hoa tuyên bố chính thức đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch tới Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) rồi lên đường tới Bắc Kinh. 

Sau đó, ngày 3/2/1950, Hồ Chủ tịch rời Bắc Kinh sang Moscow. Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô, Trung Quốc là Nguyên soái Stalin, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai ở Moscow, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Liên Xô giúp trang bị cho Việt Nam 10 sư đoàn bộ binh và một trung đoàn pháo cao xạ. 

Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Stalin đồng ý với yêu cầu này, tuy nhiên đề xuất phân công vai trò giữa Liên Xô và Trung Quốc: “Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam và sẽ được Liên Xô hoàn trả”. 

Những vũ khí viện trợ đã ra trận cùng QĐVN trong trận Điện Biên Phủ - ảnh 1

Các chiến sĩ bộ binh tại mặt trận Điện Biên Phủ. Vũ khí được trang bị gồm tiểu liên K-50 của Trung Quốc với hộp tiếp đạn loại 35 viên cùng tiểu liên MAT-49 và súng trường MAS-36 của Pháp

Cụ thể hơn, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 1 trung đoàn pháo cao xạ 37mm, một số xe vận tải và vật tư quân y; Trung Quốc trang bị vũ khí cho một số đơn vị bộ binh, pháo binh và vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam.

Vũ khí bộ binh:

Ngày 13-4-1950, Trung Quốc chuyển giao chuyến hàng đầu tiên ở Trùng Khánh (Cao Bằng), trong đó vũ khí bộ binh bao gồm 1.990 súng trường và 27 trung liên Mỹ, 43 trung liên Anh; 29 trung liên và 24 đại liên Trung Quốc.

Cuối tháng 4/1950, Trung đoàn bộ binh 88 và 102 thuộc Đại đoàn 308 theo đường Hà Giang hành quân sang Diên Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) để tiếp nhận vũ khí viện trợ và huấn luyện. Trung đoàn bộ binh 209 và Tiểu đoàn pháo binh 410 của Đại đoàn 308 cũng đi theo đường Cao Bằng qua Hoa Đồng (Quảng Tây, Trung Quốc). Tiếp đó, trong hai năm 1950-1951, lần lượt các Đại đoàn 304, 312, 316, 320 lần lượt được thành lập và trang bị bằng vũ khí viện trợ.

Đến giai đoạn cuối kháng chiến chống Pháp, về cơ bản các đơn vị bộ đội chủ lực đã được trang bị thống nhất bằng hệ vũ khí bộ binh do Trung Quốc viện trợ gồm tiểu liên Kiểu 50 bắn đạn 7,62x25mm và súng trường Kiểu 24, trung liên ZB-26, đại liên Kiểu 24 bắn chung cỡ đạn 7,92x57mm.(1)

Cũng từ năm 1950, Việt Nam tiếp nhận từ Trung Quốc 8 khẩu súng cối 82mm do Liên Xô chế tạo. Tính đến chiến dịch Điện Biên Phủ, phần lớn hỏa lực súng cối từ cấp trung đoàn trở lên đã được trang bị thống nhất bằng súng cối 82mm viện trợ với tổng cộng 176 khẩu sản xuất bởi cả Liên Xô (kiểu 37) và Trung Quốc (kiểu 53) tham gia chiến đấu. 

Những vũ khí viện trợ đã ra trận cùng QĐVN trong trận Điện Biên Phủ - ảnh 2

Một phân đội súng không giật ĐKZ-57mm M18 do Mỹ chế tạo được Đại đoàn 308 sử dụng tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Hỏa lực cấp tiểu đoàn được trang bị súng cối 60mm kiểu 31 ( Trung Quốc sản xuất theo mẫu M2 của Mỹ). Hỏa lực bắn thẳng cấp trung đoàn và đại đoàn được biên chế thêm các phân đội súng không giật ĐKZ-57mm M18 của Mỹ. Đến đợt cuối chiến dịch Điện Biên Phủ (4/1954), Trung Quốc đã viện trợ gấp rút thêm cho Việt Nam 1 tiểu đoàn gồm 12 khẩu ĐKZ-75mm M20 của Mỹ cùng với 4.000 viên đạn.

Trong giai đoạn 1953-1954, Việt Nam còn tiếp nhận một số súng chống tăng “Super Bazooka” M20 cỡ 88,9mm (3,5 inch) của Mỹ và sử dụng dưới tên gọi “ba-dô-ka 90 ly”.(2)

Pháo binh:

Kể từ tháng 4/1950, Trung Quốc tiến hành vận chuyển và bàn giao cho Việt Nam hàng chục khẩu pháo gồm bộ binh pháo 70mm kiểu 92 và sơn pháo 75mm kiểu 41 đều do Nhật sản xuất. Số vũ khí này giúp trang bị cho Trung đoàn 675 – trung đoàn pháo binh đầu tiên của QĐNDVN thành lập ngày 20-11-1950 cũng như một số phân đội pháo nằm trong các đơn vị bộ binh. Đây là hỏa lực chủ yếu của QĐNDVN trong các chiến dịch lớn trên chiến trường chính Bắc Bộ trong giai đoạn 1950-1953. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 675 tham gia chiến đấu với 18 khẩu pháo 75mm.(3)

Đồng thời với việc thành lập trung đoàn pháo mang vác, Bộ Tổng tư lệnh cũng quyết định chuyển đổi và xây dựng Trung đoàn bộ binh 34 thành trung đoàn pháo cơ giới đầu tiên. Tháng 3/1951, Trung đoàn 34 đổi tên thành Trung đoàn pháo binh 45 với trang bị ban đầu là 2 khẩu lựu pháo 105mm Mỹ loại M2A1 thu được trong chiến dịch Biên giới. 

Những vũ khí viện trợ đã ra trận cùng QĐVN trong trận Điện Biên Phủ - ảnh 3

Sơn pháo 75mm kiểu 41 do Nhật chế tạo được Trung đoàn 675 sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Tháng 7/1951, trung đoàn hành quân sang Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc) huấn luyện và tiếp nhận 20 khẩu lựu pháo 105mm M2A1 do Trung Quốc cung cấp.(4) Sau khi về Việt Nam vào tháng 11/1953, Trung đoàn 45 được bổ sung thêm 4 khẩu pháo 105mm chiến lợi phẩm của chiến dịch Biên giới và chiến dịch Tây Bắc, nâng tổng số lên 24 khẩu biên chế thành 6 đại đội hỏa lực.

Tháng 4/1954, để chuẩn bị cho đợt 3 chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc viện trợ gấp cho Việt Nam 1 tiểu đoàn hỏa tiễn H6(5) gồm 12 hệ thống pháo phản lực bắn loạt 6 nòng cỡ 102mm(6). Tiểu đoàn H6 mang phiên hiệu d244/e675/f351 đã kịp thời tham gia chiến đấu trong đợt tiến công cuối cùng với tổng cộng 836 viên đạn được bắn (chiếm 20,9% cơ số đạn dự trữ).

Phòng không:

Tháng 6/1951, trên cơ sở viện trợ do Trung Quốc chuyển giao, tiểu đoàn phòng không đầu tiên mang phiên hiệu 387 trực thuộc Đại đoàn 308 được thành lập. Tính đến đầu năm 1953, lực lượng phòng không của Việt Nam đã phát triển lên tới 8 tiểu đoàn (bao gồm 1 tiểu đoàn trực thuộc Bộ tổng tư lệnh, 1 tiểu đoàn của Liên khu 5 và 6 tiểu đoàn của 6 đại đoàn bộ binh) cùng một số đại đội phòng không trực thuộc Bộ và các liên khu, tỉnh... 

Những vũ khí viện trợ đã ra trận cùng QĐVN trong trận Điện Biên Phủ - ảnh 4

Pháo cao xạ 37mm kiểu 1939 do Liên Xô chế tạo được Trung đoàn 367 sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - không quân.

Trang bị của các đơn vị này có 500 khẩu súng máy phòng không 12,7mm kiểu DShK do Liên Xô chế tạo. Tháng 5/1951, Đại đội 612 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị phòng không đầu tiên sử dụng pháo cao xạ của được thành lập. Đại đội được trang bị 4 khẩu pháo cao xạ 37mm kiểu 1939 do Liên Xô chế tạo, làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Lùng (Cao Bằng), một vị trí quan trọng trên tuyến giao thông Việt Nam-Trung Quốc.

Ngày 1/4/1953, theo quyết định do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, Trung đoàn 367 – trung đoàn phòng không đầu tiên của QĐNDVN được thành lập. Ngày 17/4/1953, trung đoàn bắt đầu hành quân sang Trung Quốc. Các tiểu đoàn hỏa lực được huấn luyện tại Tân Dương tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Khi về nước vào tháng 11/1953, trung đoàn được biên chế 6 tiểu đoàn hỏa lực (mỗi tiểu đoàn gồm 3 đại đội pháo cao xạ và 1 đại đội súng máy phòng không), trang bị tổng cộng 72 khẩu pháo cao xạ 37mm kiểu 1939 và 72 khẩu súng máy phòng không 12,7mm DShK của Liên Xô.(7)

Trang bị khác

Tháng 6/1950, Trung Quốc chuyển giao cho Việt Nam 30 xe vận tải GMC đầu tiên do Mỹ sản xuất, sau đó kết hợp với số xe chiến lợi phẩm trong chiến dịch Biên Giới biên chế cho 2 đại đội xe vận tải đầu tiên của QĐNDVN. Từ 1950 đến 1954, Việt Nam tiếp nhận thêm nhiều đợt viện trợ, đặc biệt trong đó đợt bổ sung lớn nhất vào tháng 3/1954 nhằm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ có 228 xe vận tải và hàng trăm lái xe, thợ sửa chữa được đào tạo ở Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc về nước). 

Tính đến 1954, lực lượng vận tải cơ giới của Việt Nam đã phát triển lên 16 đại đội với 628 xe vận tải các loại gồm cả GAZ-63 của Liên Xô và GMC của Mỹ (chiếm khoảng 20%), trong đó số xe viện trợ lên tới khoảng 490 chiếc, chiếm gần 80% biên chế.

Đánh giá

Viện trợ vũ khí của Liên Xô, Trung Quốc không nghi ngờ gì đã tạo nên những chuyển biến lớn đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Như hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại, lần đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp, người lính không còn phải sử dụng những vũ khí thô sơ như cây mác búp đa trong những trận xung phong. Với sức mạnh hỏa lực được tăng cường đáng kể cả về hỏa khí và đạn dược (đặc biệt là giai đoạn cuối với sự xuất hiện của lựu pháo và pháo cao xạ), QĐNDVN đã có thể từng bước khắc chế một phần những ưu thế của quân viễn chinh Pháp như cơ giới, không quân, pháo binh, hệ thống công sự vững chắc... Không chỉ có vậy, nguồn viện trợ còn giúp công tác hậu cần cho các đơn vị chủ lực được đơn giản hóa và duy trì ổn định.

Những vũ khí viện trợ đã ra trận cùng QĐVN trong trận Điện Biên Phủ - ảnh 5

Pháo phản lực 102mm H-6 (kiểu 506) do Trung Quốc chế tạo được Trung đoàn 675 sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện được trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Các ký hiệu trên pháo cho thấy khẩu pháo này mang số hiệu 5327 có lẽ xuất xưởng tại nhà máy số 724 vào tháng 2/1953.

Mặc dù vậy, vì nhiều nguyên nhân, nguồn vũ khí viện trợ còn khá nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ ra rằng chúng ta vẫn còn thiếu nhiều vũ khí quan trọng như súng chống tăng hay phòng không. Một thống kê sau ngày kháng chiến chống Pháp kết thúc cho thấy trong trang bị của QĐNDVN lúc đó, vũ khí viện trợ chiếm tỉ lệ 20%, chiến lợi phẩm thu của địch chiếm 70% và còn lại do Việt Nam tự sản xuất. 

Trên thực tế, ngoại trừ 6 đại đoàn chủ lực được đồng bộ hóa (không hoàn toàn) về trang bị (8), phần lớn các đơn vị đặc biệt là ở các chiến trường Trung Bộ và Nam Bộ vẫn phải dựa gần như hoàn toàn vào nguồn vũ khí thu được để duy trì chiến đấu. 

Một ví dụ điển hình khác là trung đoàn lựu pháo 105mm chỉ được Trung Quốc cung cấp 3.600 viên đạn, trong khi ở chiến dịch Điện Biên Phủ trung đoàn đã bắn hơn 15.000 viên đạn, phần lớn là đạn pháo thu của địch qua nhiều chiến dịch. 

Tính chung ở Điện Biên Phủ, pháo binh Việt Nam tiêu thụ khoảng 23.000 viên đạn pháo 75mm, 105mm và cối 120mm; trong khi pháo binh Pháp sử dụng tới 141.000 viên đạn pháo 105mm, 155mm và cối 120mm. Điều này cho thấy, mặc dù nguồn viện trợ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng, điều kiện cần mang tính quyết định để làm nên chiến thắng là ý chí, tinh thần tự chủ và sáng tạo của người Việt Nam.

CHÚ THÍCH

(1)   Tiểu liên Kiểu 50 do Trung Quốc sản xuất theo mẫu PPSh-41 của Liên Xô, Việt Nam gọi chung là K-50. Súng trường Kiểu 24 do Trung Quốc sản xuất dựa theo mẫu G98 của Đức, còn được gọi là súng trường “Trung Chính” (theo tên hiệu của Tưởng Giới Thạch). Trung liên ZB-26 do Tiệp Khắc chế tạo, Trung Quốc sao chép lại dưới tên gọi Kiểu 26 và được Việt Nam gọi chung là trung liên Brno hay “Brơ-nô” theo tên nhà máy Zbrojovka Brno của Tiệp Khắc. Đại liên Kiểu 24 do Trung Quốc chế tạo dựa theo mẫu MG08 của Đức, Việt Nam gọi là đại liên Maxim hay “Mắc-xim” (theo tên người thiết kế mẫu đại liên làm mát bằng nước là cơ sở cho thiết kế MG08).

(2)   Có thể nhận định rằng súng bazooka và ĐKZ xuất phát từ chiến lợi phẩm của Quân giải phóng Trung Quốc trong nội chiến với Quốc dân đảng và trong chiến tranh Triều Tiên (trong đó Super Bazooka M20 là loại được quân Mỹ sử dụng lần đầu ở Triều Tiên). Các loại vũ khí này đều được Trung Quốc sao chép chế tạo lại: Kiểu 36 từ ĐKZ-57mm M18, Kiểu 52 và sau đó là Kiểu 56 từ ĐKZ-75mm M20, Kiểu 51 từ Super Bazooka M20. Cần lưu ý rằng loại ĐKZ-82mm B10 của Liên Xô chỉ được đưa vào trang bị năm 1954 và đến thập niên 1960 trên cơ sở thiết kế này, Trung Quốc mới sản xuất được phiên bản ĐKZ-82mm Kiểu 65 (K65). Cả ĐKZ82-B10 và ĐKZ82-K65 đều được đưa vào trang bị QĐNDVN trong thời gian kháng chiến chống Mỹ.

(3)   Theo một số tài liệu, trong giai đoạn này Trung Quốc còn cung cấp cho Việt Nam một số lựu pháo hạng nhẹ 75mm M1 do Mỹ chế tạo (Việt Nam gọi là sơn pháo). Ngoài ra, pháo binh Việt Nam còn sử dụng một số súng cối 120mm tuy nhiên hiện nay chưa có đủ cơ sở để kết luận nguồn gốc số vũ khí này là từ viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc, chiến lợi phẩm thu từ Pháp hay do Việt Nam tự chế tạo.

(4)   Liên Xô không trang bị pháo 105mm (loại có vai trò tương đương là lựu pháo 122mm M30). Do vậy có thể khẳng định số pháo của Trung đoàn 45 có nguồn gốc từ chiến lợi phẩm của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh.

(5)   H-6 là tên Việt Nam của hệ thống pháo phản lực kiểu A3 (hay kiểu 506) do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo trong giai đoạn 1948-1949 và đi vào sản xuất năm 1950, đã được sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên. Nhiều tài liệu nói rằng Việt Nam sử dụng Kachiusa của Liên Xô ở Điện Biên Phủ. Điều này không đúng. Kachiusa (hay Katyusha) là biệt danh của hệ thống pháo phản lực BM-13 (cỡ đạn 132mm) của Liên Xô. Trên thực tế đây cũng không phải hệ thống pháo phản lực duy nhất mà Liên Xô sử dụng trong Thế chiến 2. Tuy nhiên sự nổi tiếng của loại vũ khí này khiến cho cái tên Kachiusa/Katyusha thường bị mặc định gán (một cách không chính xác) cho các loại pháo phản lực nói chung.

(6)   Hầu hết các tài liệu hiện nay đều đưa số liệu không chính xác về cỡ nòng của H6 như 75mm, 107mm hay 122mm. Trên thực tế cỡ nòng của H6 là 102mm, hay chính xác hơn nữa là 101,6mm (4 inch).

(7)   Súng máy phòng không 12,7mm DShK được Trung Quốc sản xuất từ năm 1954 dưới tên gọi Kiểu 54. Do vậy có cơ sở để cho rằng phần lớn số súng máy 12,7mm mà Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Pháp được rút từ viện trợ của Liên Xô cho Trung Quốc.

(8)   Qua tư liệu và hình ảnh, có thể thấy đến tận năm 1954, ngay cả trong các đơn vị chủ lực vẫn sử dụng một số lớn chiến lợi phẩm như tiểu liên MAT-49 (hay Tuyn, theo tên nhà máy Tulle của Pháp), súng trường MAS-36 (Mát), trung liên MAC 1924/29 (“Vĩnh Cát”, theo từ tiếng Pháp vingt quatre tức 24), đại liên Reibel 1931; đại liên M1919 và M2 Browning của Mỹ, súng cối 60mm, 81mm và ĐKZ... Đây là các vũ khí tiêu chuẩn của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương giai đoạn 1951-1954.

Đa Phúc

Video quân đội Ukraine phá tung pháo tự hành Nga ở Luhansk

Quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống pháo binh Archer do Thụy Điển viện trợ để bắn nổ một pháo tự hành Msta-S của Nga ở vùng Luhansk.

Video Nga phá hủy hệ thống phòng không Đức viện trợ cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video ghi lại khoảnh khắc quân đội nước này nã hỏa lực phá hủy một trong các hệ thống phòng không IRIS-T của Đức viện trợ cho Ukraine.

Video tên lửa đạn đạo Nga bắn nổ 2 hệ thống HIMARS của Ukraine

Quân đội Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-M để bắn nổ 2 xe phóng thuộc hệ thống HIMARS của Ukraine tại vùng Kharkiv.

Chiến thuật 'màn khói' giúp Nga vượt mặt UAV trinh sát của Ukraine

Quân đội Nga đã sử dụng chiến thuật "màn khói" để bảo vệ binh sĩ và khí tài của nước này trước các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.

Video xe chiến đấu bộ binh Bradley của Ukraine tập kích cứ điểm Nga

Quân đội Ukraine đã sử dụng xe chiến đấu bộ binh (IDF) Bradley để tập kích các cứ điểm phòng thủ của Nga xung quanh thành phố Avdiivka.

Cách Iran trả đũa Israel sẽ quyết định chiều hướng xung đột ở Trung Đông?

Việc Iran tấn công trả đũa Israel sau vụ không kích đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria đang làm dấy lên lo ngại về xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Khoảnh khắc trục hạm Pháp bắn rơi tên lửa đạn đạo của Houthi

Hải quân Pháp ngày 21/3 đã đánh chặn 3 tên lửa đạn đạo của Houthi trên Biển Đỏ, đánh dấu cuộc đụng độ mới nhất giữa phương Tây và lực lượng vũ trang đến từ Yemen.

Video lính dù Nga bắn hạ UAV 'Ma cà rồng' của Ukraine gần Bakhmut

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video quay cảnh lính dù nước này bắn cháy một máy bay không người lái (UAV) hạng nặng "Baba Yaga" (Ma cà rồng) của Kiev ở gần Bakhmut, miền đông Ukraine.

Video quân đội Nga bắn nổ 2 trực thăng của Ukraine ở Donetsk

Quân đội Nga đã sử dụng bom dẫn đường để bắn nổ 2 trực thăng quân sự của Ukraine tại một sân bay dã chiến ở vùng Donetsk.

Video trực thăng tấn công Nga dội lửa xuống mục tiêu Ukraine gần Kupyansk

Trong khi trực thăng tấn công Mi-35 của Nga nã đạn như mưa xuống mục tiêu Ukraine gần Kupyansk, trực thăng vận tải quân sự Mi-8 của các lực lượng Moscow quanh quẩn gần đó.

Đang cập nhật dữ liệu !