Những triệu chứng hậu Covid-19
Người bệnh có nhiều triệu chứng hậu Covid-19, trong đó không ít người mắc hội chứng chóng mặt, mệt mỏi, khó thở.
Anh Nguyễn Trường H. 29 tuổi, làm điều dưỡng tại 1 bệnh viện tư ở TP.HCM mắc Covid-19 đã khỏi được 3 tuần nhưng trong suốt 3 tuần qua anh H. liên tục khổ sở với hội chứng cảm giác đầu quay cuồng.
Anh H. đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh vì bản thân anh có tiền sử đái tháo đường tuyp 1.
Tuy nhiên, một lần thấy người ngây ngấy sốt, mệt mỏi, đau họng, anh H. mua test về tự test. Kết quả dương tính với Covid-19. Vì nhận thấy mình có bệnh nền, anh H. tự vào bệnh viện mình làm việc nằm điều trị theo dõi.
Anh cũng trải qua những ngày khó thở, viêm phổi, thở oxy qua máy tạo oxy hai ngày, sau đó triệu chứng đỡ dần và hết, sau10 ngày thì âm tính. Sau khi từ bệnh viện về nhà, anh H. liên tục bị triệu chứng hụt hơi khi nói, đi lại nhiều và đặc biệt chứng bệnh chóng mặt.
Anh đi kiểm tra bác sĩ, dù đã được chiếu chụp và không phát hiện bất thường về thần kinh, tiền đình. Bác sĩ khám cho biết đó là triệu chứng hậu Covid-19 theo dõi và điều trị theo đông y, y học cổ truyền để giảm bớt triệu chứng.
Không riêng gì anh H, chị Nguyễn Thị Tr. – Ba Đình, Hà Nội vừa trải qua Covid-19 được 2 tuần cũng chia sẻ chị bị hội chứng như tiền đình. Mỗi lần đứng lên ngồi xuống rất chóng mặt, thậm chí cảm giác người lâng lâng khó chịu. Có lúc chị Tr. bị chóng mặt đến nỗi không thể tiếp xúc với điện thoại hay máy tính được. Chị vẫn đang tự điều trị bằng các thuốc thảo dược để giảm bớt triệu chứng hậu Covid-19.
Chóng mặt là triệu chứng của hậu Covid-19. |
Bác sĩ Âu Văn Khê - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cơ sở 3 cho biết chóng mặt ở người mắc Covid-19 điều trị xong là biểu hiện thông thường của hội chứng hậu Covid-19. Theo CDC Hoa Kỳ (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ), người bệnh sau khi điều trị khỏi bệnh Covid–19, một số triệu chứng sau có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng gồm: khó thở hoặc thở gấp, mệt mỏi, khó tập trung suy nghĩ, ho, đau nhói ngực hoặc đau dạ dày, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, hồi hộp, tiêu chảy, mất ngủ, sốt, phát ban ở da, thay đổi mùi, vị, rối loạn kinh nguyệt,..
Theo BS Khê, trong số các triệu chứng trên, thì triệu chứng chóng mặt khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như khi quay lại với công việc trước đó.
Theo Y học hiện đại, chóng mặt là ảo giác vận động của cơ thể hay môi trường xung quanh, người bệnh cảm giác chao đảo, kèm buồn nôn, vã mồ hôi và đi loạng choạng.
Chóng mặt gồm chóng mặt trung ương và ngoại biên.
Chóng mặt ngoại biên là triệu chứng chóng mặt thường ngắt quãng, nặng nề; run giật nhãn cầu luôn luôn hiện diện một hướng, không bao giờ theo chiều dọc; thường kèm theo giảm thính lực ở tai và không có dấu hiệu thân não.
Chóng mặt trung ương là triệu chứng chóng mặt thường liên tục, nhẹ; run giật nhãn cầu có thể không rõ, một hoặc hai hướng, có thể theo chiều dọc; hiếm khi giảm thính lực ở tai và thường kèm theo dấu hiệu thân não.
Theo Y học cổ truyền, chóng mặt được mô tả trong chứng huyễn vựng, huyễn là hoa mắt, vựng là có cảm giác chòng chành như ngồi trên thuyền. Huyễn vựng là chứng đầu váng hoa mắt, chóng mặt.
Nguyên nhân chóng mặt ở người mắc Covid-19 có thể do ngoại cảm và nội thường. Y học cổ truyền coi ngoại cảm là do tà khí lục dâm xâm lấn vào các khiếu trống rỗng ở đầu và mặt gây nên chứng váng đầu, hoa mắt, chóng mặt.
Còn do nội thương là tình trạng đàm thấp làm cản trở thanh khiếu, do tình chí không thư thái, bị uất ức lâu ngày, khí huyết hư, tiên thiên bất túc, lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn lâu ngày.
Khi bị hậu Covid-19 người bệnh không nên quá lo lắng, có thể từ từ theo dõi thêm. Nếu tình trạng không cải thiện có thể đến bệnh viện khám để được điều trị triệt để. Với các dấu hiệu của hậu Covid-19, BS Khê cho biết việc theo dõi điều trị bằng y học cổ truyền cũng có tác dụng.
Theo Y học cổ truyền, để điều trị chứng chóng mặt (huyễn vựng) đạt kết quả tốt thì người thầy thuốc Y học cổ truyền phải dùng Tứ chẩn gồm vọng (nhìn), văn (nghe, ngửi), vấn (hỏi), thiết (sờ da, ấn trên kinh mạch, xem mạch) để thăm khám, thông qua đó để tìm nguyên nhân gây bệnh và biện chứng luận trị tìm ra thể bệnh, sau đó mới dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp… để điều trị bệnh. Người bệnh không nên quá lo lắng, nếu sau 2 tuần triệu chứng không đỡ nên đi kiểm tra để được hỗ trợ.
K.Chi