Những tiếng kêu bất thường trong cơ thể
Tiếng ngáy khi ngủ, đừng chủ quan
Tiếng ngáy là do mô mềm của sụn thanh quản và cổ họng rung khi bạn thở. Thường gặp ở người béo, cũng có thể amidan phì đại khi viêm sẽ gây ngủ ngáy. Bạn nên đến bác sĩ nếu thở hổn hển vào ban đêm, tỉnh giấc thấy vã mồ hôi, hoặc cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.
Đặc biệt chứng ngừng thở khi ngủ (đang ngáy như sấm bỗng im bặt thời gian trên 10 giây). Ở người bình thường có thể ngừng thở khi ngủ dưới 10 lần trong một đêm. Còn bệnh nhân thì có 10-15 lần ngừng thở khi ngủ trong một giờ ngủ. Nếu ngừng thở lâu có thể gây tử vong.
Bản thân bệnh nhân không biết là mình ngừng thở khi ngủ, người xung quanh quan sát bệnh nhân trong cơn thì thấy: bệnh nhân ngáy rất to, há hốc miệng khi thở, thở gián đoạn.
Đặc biệt bệnh nhân tăng huyết áp có kèm ngừng thở khi ngủ cũng là hội chứng nguy hiểm, nếu không giải quyết được chứng ngừng thở khi ngủ rất khó kiểm soát huyết áp.
Hơn nữa ngừng thở khi ngủ gây cản trở luồng không khí và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và đột quỵ.
Tiếng rắc rắc ở đầu gối, vai và khuỷu tay
Những âm thanh này có thể do thay đổi dịch trong khớp (gọi là khô khớp), hoặc chệch khớp, viêm khớp, dây chằng bị tổn thương... Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau, sưng ở đầu gối, ở khuỷu tay khiến bạn bị hạn chế khi hoạt động thể thao hoặc vận động.
Tiếng ùng ục ở dạ dày
Đó là âm thanh từ đường ruột. Khi bạn đói thì việc nhìn, ngửi hoặc thậm chí nghĩ đến thức ăn thôi cũng có thể kích thích não bắt đầu quá trình tiêu hóa. Khi bạn uống một ly nước cũng gây ra tiếng “ùng ục” do chất lỏng đi vào dạ dày. Hiện tượng này vô hại, tuy nhiên hãy đi khám bác sĩ nếu tiếng kêu kèm theo đau vùng dạ dày, đầy hơi và ợ chua. Hoặc sút cân nhanh không rõ nguyên nhân.
Tiếng ù hay ve kêu trong tai
Âm thanh này không phải ở tai mà từ trong đầu do bộ não hiểu sai tín hiệu. Việc tiếp xúc với tiếng ồn mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tai do đó bạn nên sử dụng nút tai để giảm cường độ âm thanh. Đi khám bác sĩ nếu ù tai liên tục và chỉ ở một bên tai. Điều này có thể là dấu hiệu tổn thương ở trong tai.
Ho và cò cử
Nếu cơn ho đi kèm với tiếng thở khò khè (tiếng cò cử) bạn có thể mắc bệnh hen suyễn. Chất gây dị ứng làm co thắt cơ phế quản gây hẹp đường thở khiến bạn khó thở. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi ho kéo dài hơn 4 tuần hoặc thường xuyên bị tỉnh giấc vào ban đêm. Đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, thậm chí ung thư phổi.
BS. Đỗ Minh Hiền/Nguồn SKĐS