Những tác phẩm nghệ thuật đẹp ‘nao lòng’ làm từ giá đỗ
Anh Wang Jihai sinh sống ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đã sử dụng nguyên liệu giá đỗ để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp đến nao lòng.
Anh Wang hiện là một đầu bếp căng-tin tại một ngôi trường cấp II. Anh chia sẻ thông qua những tác phẩm nghệ thuật, anh muốn cho mọi người thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Anh Wang đã tận dụng những nguyên liệu thường nhật mà cụ thể từ gian bếp của mỗi gia đình đặc biệt là giá đỗ để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.
Những tác phẩm nghệ thuật đẹp nao lòng làm từ giá đỗ của một đầu bếp Trung Quốc. (Ảnh: SCMP) |
Cụ thể, từ bàn tay tài hoa với nguyên liệu giá đỗ, anh Wang đã tạo nên một con công với phần đuôi màu xanh được xếp bằng thì là hay một em bé đồ chơi biết nhảy với cái đầu làm từ một cọng giá đỗ và ngay cả một bông sen trắng với chú bướm xinh đang bay tới để đậu trên hoa.
Ý tưởng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ giá đỗ nảy sinh khi anh Wang làm việc ở căng-tin trường cấp II.
“Thông qua các bức tranh làm từ giá đỗ tôi muốn truyền tải thông điệp tới mọi người rằng, cuộc sống có vô vàn điều tốt đẹp. Chúng ta nên khám phá những điều tốt đẹp và sống cuộc sống tràn đầy năng lượng “, anh Wang chia sẻ.
Điều đáng nói, anh Wang chưa từng học qua một trường lớp đào tạo nghệ thuật. Anh mới chỉ có chút kinh nghiệm trong việc trình bày các món ăn.
“Một lần sau khi mua giá đỗ từ chợ đi về, trong đầu tôi đã nảy ra ý tưởng tạo nên một bức tranh nghệ thuật và tôi quyết định dùng chính giá đỗ là nguyên liệu để hiện thực hóa tác phẩm của mình”, anh Wang hồi tưởng lại.
Anh Wang từng mất 3 tiếng đồng hồ để hoàn thành một bông hoa xếp từ giá đỗ hay những em bé búp bê biết nhảy múa. Với những tác phẩm mang tính cầu kỳ hơn như tạo ra những con vật có cả cơ bắp, anh Wang sẽ phải mất 1 ngày mới có thể hoàn thành.
“Do tôi không được học những kỹ năng vẽ cơ bản, ngay cả khi gần hoàn thành sản phẩm, tôi vẫn thất bại khi những chi tiết nhỏ nhặt như cái chân chim hay hình dáng đầu của nó không đúng tỷ lệ. Dù tôi có cố gắng thêm nhiều giờ đồng hồ để chỉnh sửa, mọi thứ vẫn không được cải thiện. Chuyện này từng xảy ra nhiều lần”, anh Wang tâm sự.
Khi hoàn thành một bức tranh nghệ thuật và chụp ảnh lại, anh Wang lại nấu chín và thưởng thức chính tác phẩm của mình.
Minh Thu (lược dịch)