Những phần tử khủng bố tiềm tàng trong lòng nước Mỹ
Theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm An ninh mạng và Nội địa thuộc Trường Đại học George Washington, số lượng người ủng hộ IS tại Mỹ đã tăng lên vài ngàn người. Ngoài ra, ít nhất 56 người bị buộc tội vì có những hoạt động liên quan đến IS tại Mỹ trong năm 2015, cao hơn 3 lần so với năm trước đó. Bên cạnh đó, khoảng 300 tài khoản mạng xã hội như Twitter, Facebook đã ủng hộ, tuyên truyền và phát tán thông tin của IS trên mạng.
Báo cáo viết: “Mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi quan điểm, thậm chí là huy động lượng người ủng hộ IS ở Mỹ. Chương trình tìm kiếm các phần tử cực đoan đã nhận diện được 300 người Mỹ tuyên truyền cho IS trên mạng xã hội, phát tán thông tin và liên lạc với những người có cùng tư tưởng”.
Twitter là mạng xã hội được nhiều người ủng hộ IS lựa chọn. Nguồn: WSJ |
Theo đó, việc tuyên truyền này đã thu hút vài nghìn người dân Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét nhiều hình thức mạng xã hội khác nhau, trong đó Twitter là phổ biến nhất. Các phương tiện liên lạc khác như Facebook, Google+ và Tumblr cũng như các ứng dụng tin nhắn như Kik hay Telegram cũng đóng góp một phần.
Theo nghiên cứu, dù đã nhận diện được nhưng việc cấm các tài khoản này hoạt động thường không đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) còn mở khoảng 900 cuộc điều tra nhằm vào những phần tử cực đoan bạo lực nội địa tại toàn bộ 50 bang, trong đó phần lớn có liên hệ với IS. Đáng lo ngại hơn, khoảng 250 người Mỹ tìm cách đến những lãnh thổ IS đang kiểm soát ở Syria và Iraq, trong đó có một số người đã thành công.
Phần lớn người ủng hộ IS mà trung tâm nói trên phát hiện đều còn trẻ, độ tuổi trung bình 26, và là nam giới (chiếm 86%). Trong số này, 27% người dính líu đến các âm mưu tấn công ở Mỹ và 40% người cải sang đạo Hồi. Nhiều người trong số đó sinh ra ở Mỹ và không có tiền sử cực đoan.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang tiến hành tuyển thêm nhiều phiến quân trẻ từ các nước trên thế giới bằng cách lợi dụng mạng xã hội. Khoảng 20.000 đến 30.000 người nước ngoài đã tham gia vào lực lượng phiến quân IS chống lại các lực lượng của chính phủ ở Syria và Iraq.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.