Những nguyên thủ quốc gia nổi tiếng từng học tại Oxford
Những nguyên thủ quốc gia nổi tiếng từng học tại Oxford
Tọa lạc tại thành phố Oxford (Anh), Viện Đại học Oxford là viện đại học cổ nhất trong các nước nói tiếng Anh, đồng thời cũng là một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Đã có 48 cựu sinh viên, giáo sư giảng dạy tại trường này từng được trao giải Nobel.
Oxford có 39 trường đại học thành viên, mỗi trường có cấu trúc và hoạt động riêng. Theo xếp hạng của Times năm 2007, đây là viện đại học tốt nhất Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Nơi đây là cái nôi đào tạo nhân tài thế giới. Nói đến chất lượng của đại học Oxford, phải nhắc đến tên tuổi các chính khách nổi danh toàn thế giới như Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Anh David Cameron, Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher…, những người đều là cựu sinh viên trường này.
David Cameron - Đương kim Thủ tướng Anh
David William Donald Cameron sinh ngày 9/10/1966, hiện là đương kim Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ông đảm nhiệm vai trò Thủ tướng Anh ngày 11/5/2010, khi 44 tuổi. Tính từ năm 1812 cho tới nay, David Cameron chính là vị thủ tướng trẻ nhất lên nắm quyền.
Trước đó, ông Cameron đã học liên ngành triết học, chính trị học và kinh tế học ở Đại học Oxford. Khi học tại ngôi trường danh tiếng này, ông được trao bằng sinh viên ưu tú hạng nhất.
Tony Blair - Cựu Thủ tướng Anh
Tony Blair sinh ngày 6/5/1953 tại Edinburg, Scotland. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, cha là một giảng viên luật, nên được nuôi dạy rất kỹ. Năm 1972, ông vào học ngành luật tại đại học danh tiếng Oxford. Ở Oxford, ông nổi tiếng là một người hướng ngoại, có tài thuyết trình, chơi guitar bass hay.
Sau khi tốt nghiệp năm 1975, ông ra làm luật sư. Sau đó, ông gặp Cherie, vợ ông bây giờ. Hai người kết hôn năm 1980 và hiện đã có 4 người con.
Ông Tony Blair giữ vai trò Thủ tướng Anh trong vòng 10 năm, từ 2/5/1997 đến 27/6/2007. Cho đến nay, ông là thủ tướng lâu năm nhất của đảng Lao động và là người đầu tiên của đảng Lao động chiến thắng trong 3 cuộc tổng tuyển cử liên tiếp. Ngày 27/6/2007, ông từ nhiệm, nhường lại chiếc ghế Thủ tướng Anh cho ông Gordon Brown.
Manmohan Singh - Đương kim Thủ tướng Ấn Độ
Manmohan Singh sinh ngày 26/9/1932, là thủ tướng thứ 17 của Ấn Độ. Trước đó, ông Singh đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ Ấn Độ như Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ từ năm 1982 đến 1985, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ từ năm 1991 đến 1996.
Manmohan Singh là một người có kiến thức sâu rộng về kinh tế, từng tốt nghiệp trường Punjab, Đại học Cambridge và Đại học Oxford. Ông được người dân Ấn Độ yêu mến và được coi là vị kiến trúc sư trưởng của các cải cách kinh tế ở đất nước đông dân hàng đầu thế giới này. Ông Singh trở thành Thủ tướng Ấn Độ từ năm 2004. Sau cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ năm 2009, ông Singh một lần nữa được bầu lại làm Thủ tướng Ấn Độ.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva
Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva sinh năm 1964 tại Newcastle, Anh. Ông từng tốt nghiệp Đại học Oxford ngành chính trị, triết và kinh tế học. Tại Oxford, ông đã lấy bằng thạc sĩ.
Về nước, ông Abhisit đã giảng dạy tại Học viện Quân sự Hoàng gia Chulachomklao, Đại học Thammasat. Là một trí thức được đào tạo chính quy và cọ sát với văn hóa nước ngoài, vị cựu thủ tướng này đã xây dựng được hình ảnh một nhà lãnh đạo lịch thiệp, ăn nói lưu loát.
Ông trở thành thủ tướng thứ 27 của Thái Lan vào ngày 15/12/2008, và là thủ tướng trẻ nhất của nước này khi đảm nhiệm cương vị ở tuổi 44.
Bill Clinton - Cựu Tổng thống Mỹ
Ông Bill Clinton sinh năm 1946 và là tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ từ năm 1993 tới năm 2001. Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã làm Thống đốc tiểu bang Arkansas.
Clinton đã từng giành học bổng để theo học Đại học Oxford, rồi sau đó học luật tại Đại học Yale. Nơi đây, ông gặp người bạn cùng lớp và sau này trở thành vợ ông, bà Hillary Clinton.
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong giai đoạn nước Mỹ dưới quyền của Bill Clinton là kinh thế bùng nổ lâu dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Người ta còn tranh cãi nhiều về nguyên nhân bùng nổ kinh tế thời này, nhưng thành quả của Mỹ giai đoạn này rất đáng nể, đó là mức thất nghiệp giảm hẳn, lợi tức tăng cao, thặng dư ngân sách cao…
Indira Gandhi - Cố Thủ tướng Ấn Độ
Bà Indira Gandhi (1917 - 1984) là Thủ tướng Ấn Độ trong hai giai đoạn: 1966 - 1977 và được bầu lại vào năm 1980 cho đến thời gian bị ám sát. Bà lên nắm quyền thủ tướng dưới sự ủng hộ của đông đảo người dân. Bà từng học tại Đại học Oxford.
Trong thời kỳ nắm quyền của Indira Gandhi, đất nước Ấn Độ đạt được nhiều thành tựu, trong đó có thành tựu về nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Bà cũng là người giải quyết căng thẳng giữa Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan.
Tuy nhiên, quyết định có phần nhạy cảm, động chạm đến người Sikh đã kết thúc cuộc đời của một chính khách tài ba. Bà đã đồng ý cho quân đội tấn công vào Đền Vàng, nơi thờ cúng của người Sikh để tiêu diệt một thủ lĩnh tôn giáo cực đoan. Hành động này giống như một động thái xúc phạm đến người Sikh, và bà đã bị chính những cận vệ người Sikh sát hại. Ngày 31/10/1984, bà bị 2 cận vệ bắn ở Tư dinh Thủ tướng tại số 1 đường Safdarjung, New Delhi và đã qua đời ngay trên đường tới bệnh viện.
Margaret Thatcher - Cựu Thủ tướng Anh
Margaret Thatcher sinh ngày 13/10/1925, là một chính khách, một nhà hóa học người Anh. Bà là thủ tướng nước Anh trong suốt 11 năm, từ 1979 đến 1990, và là người giữ cương vị thủ tướng dài nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827. Bà là một chính khách được nhiều người dân Anh ngưỡng mộ, nhưng cũng có nhiều người phản đối. Với những gì bà thể hiện trong nhiệm kỳ của mình, bà được gọi với cái tên “Bà đầm thép của nước Anh”.
Năm 2002, bà Thatcher được xếp thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại, do BBC bình chọn. Từ nhỏ, bà Thatcher đã tỏ ra thông minh, xuất sắc trong học vấn. Bà từng học tại trường Somerville thuộc Đại học Oxford, chuyên ngành hóa và lấy được bằng thạc sĩ tại đây.
đỗ quyên