Những lý do khiến tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra trên toàn cầu?
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã coi biến đổi khí hậu và xung đột chính trị vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập và giá lương thực cao trên toàn thế giới.
AP dẫn lời ông Guterres lưu ý rằng, hiện tại thực phẩm lành mạnh không có sẵn cho 3 tỉ người. Và vào tháng 7, Liên Hợp Quốc đã báo cáo rằng 161 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm 2020 so với 1 năm trước đó, rất có thể là do đại dịch Covid-19.
Hàng triệu người trên khắp thế giới trước nguy cơ bị thiếu lương thực. (Ảnh: Unsplash) |
Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), cơ quan của Liên Hợp Quốc về trợ giúp nông dân sản xuất đã kêu gọi các chính phủ “giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực” khiến hàng trăm triệu người sống trong cảnh nghèo đói. Đồng thời, sản xuất lương thực an toàn hơn cho hệ sinh thái và tăng lương cho công nhân sẽ giúp khắc phục tình hình.
Ông Guterres cho biết, cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực có thể thúc đẩy chính quyền ở nhiều nước đang đấu tranh phục hồi kinh tế công bằng và bền vững sau đại dịch. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể.
Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), ông Maximo Torero cho biết phải mất 14 tỉ USD mỗi năm để loại bỏ tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính của 100 triệu người. Và để xóa bỏ hoàn toàn nạn đói vào năm 2030, số lượng mỗi năm cần phải tăng gấp ba lần.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, mục tiêu sẽ không đạt được trong thập kỷ tới khi sẽ có 660 triệu người đói, 30 triệu người trong số đó sẽ bị ảnh hưởng bởi “những tác động lâu dài của đại dịch”.
Tổ chức phi chính phủ Oxfam cho hay, kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, các cộng đồng dễ bị tổn thương trên thế giới đã gửi đi thông điệp rõ ràng, khẩn cấp và nhắc đi nhắc lại: “Đói ăn có thể giết chết con người trước cả khi mắc dịch”.
Tỷ lệ thất nghiệp hàng loạt và sản xuất lương thực bị đứt quãng nghiêm trọng đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng 40%, mức tăng cao nhất trong hơn 1 thấp kỷ.
Theo Oxfam, số người thiếu ăn trên thế giới đã tăng mạnh trong năm 2020, gấp 6 lần so với năm 2019. Oxfam ước tính mỗi phút có 11 người có thể chết vì thiếu ăn nghiêm trọng, trong khi đó số người có thể tử vong vì dịch Covid-19 là 7 người/phút.
Tổng cộng một nửa triệu người đang sống “trong các điều kiện thiếu ăn” trên thế giới, trong khi 155 triệu người “cực kỳ đói kém”, tương đương với dân số của Pháp và Đức cộng lại.
Đáng nói là 2/3 số này sống ở các nước đang xảy ra chiến tranh hoặc xung đột. Yemen, Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan, Nam Sudan, Venezuela và Syria là những nước mà các cuộc khủng hoảng lương thực đang ngày một tồi tệ hơn do dịch bệnh và các hậu quả kinh tế.
Thanh Bình (lược dịch)