Những loại cây cảnh đẹp nhưng độc
Nhiều người có thú vui chơi cây cảnh trong nhà vừa tạo cảm giác dễ chịu cho gia chủ vừa mang yếu tố phong thuỷ. Tuy nhiên, có loại cây cảnh đẹp nhưng rất độc, có thể gây ảnh hưởng cho sức khoẻ.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ – Trưởng Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết chơi cây cảnh là thú vui nhưng cũng cần biết cây nào có độc để tránh đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ.
BS Vũ lưu ý những loại cây cảnh dưới đây có độc:
Vạn niên thanh
Hay còn gọi là môn trường sinh đốm. Tên khoa học Dieffenbachia seguine, cũng được biết dưới tên thông thường dumb cane, họ ráy Araceae.
Cũng như các cây họ ráy khác, tất cả bộ phận của cây đều có độc. Do đó phải cẩn thận khi va chạm, di chuyển hay chăm sóc loại cây cảnh này. Mủ gây ngứa và nếu văng vào mắt thì rất khó chịu; ăn phải thì bị tê môi, đỏ lưỡi, nói khó, ngứa họng, đau rát, nôn mửa.... Nếu lỡ dính mủ cây môn trường sinh bị ngứa thì không nên gãi mà hơ nóng (ấm) vùng da bị dính sẽ khỏi. Nếu dính mủ vào miệng, mắt thì súc miệng, rửa mắt bằng nước ấm, rồi dùng máy sấy tóc hơ ấm.
Đa số trường hợp bị ngộ độc là trẻ nhỏ hoặc thú nuôi. Những triệu chứng này thường nhẹ và có thể chữa trị bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng Histamine hay than hoạt tính. Người bị dính độc của cây này không đến mức phải súc rửa đường tiêu hóa như các loại ngộ độc khác và có thể tự khỏi mà không cần chữa trị đặc biệt nào.
Vạn niên thanh |
Xương rồng bát tiên
Cây Xương rồng bát tiên hay còn có tên cây Hoa Bát tiên, cây Hoa Mão gai. Xương rồng bát tiên có tên khoa học là Euphorbia milii, là một loài thực vật có hoa thuộc Họ Đại kích – Euphorbiaceae (không thuộc họ xương rồng Cactaceae), có nguồn gốc từ Madagascar.
Cây có đa dạng về giống loài, thân cũng đa dạng màu sắc (xanh, nâu đỏ, tím, …) có nhựa mủ và gai chi chít trên thân. Chính những chiếc gai nhọn này có thể đâm vào tay gây trầy xước nếu không cẩn thận. Đồng thời, nhựa mủ của cây sẽ gây bỏng rát tay khi tiếp xúc. Những người trồng cây cần đeo bao tay kỹ lưỡng và rửa sạch tay nếu lỡ dính phải. Đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ nên tránh trồng cây này.
Cây xương rồng bát tiên rất đẹp nhưng có độc. |
Hồng Môn
Toàn thân cây Hồng Môn đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine. Nếu bình thường thì những chất này không gây ảnh hưởng gì đến chúng ta. Tuy nhiên, nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc thú cưng thì cần lưu ý khi trồng bởi nếu ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây cũng gây ra bỏng rát họng, dạ dày và ruột. Lá hay hoa nếu nát dính vào da sẽ dễ tạo ban và rộp mụn nước.
Hồng môn được nhiều chị em giới văn phòng ưa thích. |
Kim Tiền
Trong thân và lá cây có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu ăn phải. Nặng hơn sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt cũng ảnh hưởng xấu đến thị lực.
Cây kim tiền có nhiều ý nghĩa nhưng cảnh giác với độc tố của nó. |
Cây Ngô Đồng
Ngô Đồng (Jatropha podagrica) còn được gọi là Vạn Linh, Sen Núi, Dầu Lai có củ. Cây Ngô Đồng có chứa chất Curcin trong thân, củ, lá và đặc biệt là hạt. Chất này có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.
Cây ngô đồng được nhiều người chọn vì nó mang ý nghĩa may mắn, cát tường. |
Xương rồng ba cạnh
Cây xương rồng ba cạnh có độc (đặc biệt là nhựa trắng có trong toàn cây).
Điều này được nói đến trong nhiều công trình y học ở nước ta (như Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam…) cũng như ở Trung Quốc.
Xương rồng ba cạnh là một vị thuốc nhiều tác dụng như tẩy, kháng khuẩn, chống viêm… nhưng cây xương rồng ba cạnh chỉ được dùng ngoài da và chỉ dùng khi được thầy thuốc chỉ định. Các công trình y học đều nhấn mạnh những người chưa có kinh nghiệm thì không nên dùng loại cây này.
Đó là vì ngay cả khi dùng ngoài da, chất nhựa có trong cây xương rồng ba cạnh cũng có thể gây kích ứng, làm tổn hại lớp niêm mạc da (đối với trường hợp da mỏng, da bị trầy xước…) và gây rát, phồng rộp, đỏ… Nếu không may để rơi vào mắt, nhựa cây cũng có thể gây mù mắt.
Xương rồng ba cạnh cũng liệt vào top cây cảnh nhưng rất độc. |
BS Vũ lưu ý khi cắt tỉa các loại cây cảnh, cần sử dụng dụng cụ riêng, nên tạo thành thói quen, bởi vì khi làm vườn dùng dao kéo mà cắt phải cây có độc, rồi quên rửa hoặc rửa không sạch, lại đem dao kéo đó đi làm bếp tiếp thì vô tình đưa chất độc vào người. Sử dụng phương tiện bảo hộ khi làm vườn như đeo găng tay, đeo kính bảo vệ mắt, kính phòng hộ bảo vệ khuôn mặt, mang ủng…
Khánh Chi