Những hợp đồng thời vụ hái ra tiền của sao thể thao Việt
Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)
Tiến Minh kiếm gần 1 tỷ đồng khi thi đấu tại Ấn Độ. |
Hôm qua (22/7) tay vợt số 1 Việt Nam đã được CLB cầu lông Pune Vijetas của Ấn Độ mời về thi đấu khi đấu giá thành công với mức 44.000 USD (gần 1 tỷ đồng). Pune Vijetas là 1 trong 5 CLB cầu lông của Ấn Độ, cùng với Hyderabad HotShots (Hyderabad), Karnataka Kings (Bangalore), Lucknow Warriors (Lucknow), Mumbai Masters (Mumbai) Rajdhani Smashers (Delhi) tham dự giải cầu lông Ấn Độ - India Badminton League (IBL) diễn ra từ 14 đến 31/8 tới.
Để tăng thêm chất lượng của giải đấu, BTC đã cho 6 CLB được quyền đấu giá chọn những tuyển thủ chất lượng nhất về thi đấu cho đội mình. Mỗi đội sẽ có 11 VĐV với tối đa là 4 VĐV nước ngoài. Tại giải đấu này, Tiến Minh còn có cơ hội đối mặt với Lee Chong Wei (số 1 thế giới và được đấu giá 135.000 USD) cũng như siêu sao Lin Dan. Ngoài ra giải thưởng của giải cũng rất hấp dẫn, lên đến 1 triệu USD.
Lê Công Vinh (bóng đá)
Công Vinh lần thứ 2 xuất ngoại thi đấu. |
Ngày hôm qua, CLB Consudale Sapporo đã thành công khi mời tiền đạo Lê Công Vinh về thi đấu trong 5 tháng, từ tháng 8/2013 đến 12/2013. Tại đội bóng đang chơi tại J.League 2 (tương đương giải hạng Nhất Việt Nam), Công Vinh sẽ nhận 7.000 USD/tháng. Đây là mức lương trung bình tại Nhật Bản nhưng là mức cao so với mặt bằng chung V.League.
Lê Quang Liêm (cờ vua)
Lê Quang Liêm tham dự nhiều giải đấu mời với đãi ngộ cao. |
Với đẳng cấp và danh tiếng của mình, kỳ thủ số 1 Việt Nam liên tục được các CLB cờ vua của Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc mời về thi đấu. Những CLB như Werder Bremen (Đức), Qingdao Yucai (Trung Quốc) hay Evry Grand Roque (Pháp) ngoài chuyện lo toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho Liêm còn phải chi thêm khoảng 700 USD/ván thắng, 600 USD/hòa và 500 USD/thua.
Ngoài ra, những giải đấu cờ vua mà Liêm góp mặt phần lớn là những giải đấu kín, những kỳ thủ tham dự phải được BTC mời đích danh. Đây có thể xem là một dạng thi đấu thời vụ mà Liêm đã rất thành công khi nhận 2.000 USD cho ngôi á quân giải SPICE Cup 2012, 2.500 USD cho hạng 6 giải Fujairah, 21.000 euro cho chức vô địch Aeroflot 2010…
Trương Đình Luật, Suleiman (bóng đá)
Đình Luật từng khiến V.Hải Phòng bỏ ra hàng tỷ đồng chỉ để dùng trong nửa mùa giải. |
Giai đoạn lượt về V.League 2011, Vicem Hải Phòng đã gây sốc khi bỏ ra đến 3,5 tỷ đồng để mượn trung vệ Trương Đình Luật từ Xuân Thành Sài Gòn (khi đó có tên là Sài Gòn Xuân Thành). Tính chi li thì giá trị mỗi lần ra sân của Đình Luật lên đến 270 triệu đồng/trận. Con số này đội lên thành 300 triệu đồng/trận nếu tính luôn cả lương.
Nhưng đó chưa phải bản hợp đồng “ấn tượng” duy nhất của ông Trần Tiến Đại - vốn từng là một nhà môi giới cầu thủ. Mùa bóng năm nay ông đưa Suleiman về Xuân Thành Sài Gòn với mức lót tay là 45.000 USD/ 3 năm. Tuy nhiên, sau đó khi K.Kiên Giang hỏi mượn từ cuối giai đoạn 1, ông đã đẩy Suleiman xuống đội bóng miền Tây này, đổi lại K.Kiên Giang phải bỏ ra 20.000 USD. Một thương vụ quá hời.
Huỳnh Thanh Tùng (xe đạp)
Huỳnh Thanh Tùng được QK7 tạo điều kiện hết mình ra nước ngoài thi đấu. |
Mới đây Huỳnh Thanh Tùng (đội QK7) đã được Trung tâm xe đạp thế giới (World Cycling Centre - WCC) thuộc Liên đoàn xe đạp thế giới (UCI) mời về tập luyện và thi đấu trong một môi trường chuyên nghiệp, tham gia các giải đấu lớn nhỏ ở châu Âu trong vòng 3 tháng. Trong thời gian khoảng 3 tháng từ 16/7 đến 30/10, Huỳnh Thanh Tùng sẽ được đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở cùng mức lương 7.000 france Thụy Sỹ/tháng (gần 160 triệu đồng/tháng). Đây là vinh dự rất lớn cho Thanh Tùng nói riêng và xe đạp Việt Nam nói chung.
Ngô Văn Kiều (bóng chuyền)
Ngô Văn Kiều mở đường xuất ngoại cho bóng chuyền Việt Nam. |
Ngô Văn Kiều là chủ công số 1 của bóng chuyền nam Việt Nam khi sở hữu chiều cao 1,96 m, bật cao 3,58 m và tầm chắn bóng cỡ 3,4 m. Sau SEA Gamess 24, CLB Samator của Indonesia đã mời anh về thi đấu với mức lương ban đầu là 2.000 USD/tháng. Kể từ đó đến nay, một năm 2 lần, Kiêu đều sang thi đấu theo chương trình trao đổi VĐV giữa Samator và Sanest Khánh Hòa.
HOÀNG TÂM