Những đội đặc nhiệm hàng đầu thế giới
Khi đề cập tới các lực lượng đặc nhiệm hàng đầu thế giới, người ta thường nhắc đến SEAL và Delta Force của Mỹ hay SAS của Anh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít lực lượng đặc biệt tinh nhuệ không kém cạnh so với những lực lượn
Cảnh sát biên phòng số 9
Đội Cảnh sát biên phòng số 9 (GSG 9 ) là đơn vị trực thuộc Cảnh sát Liên bang Đức, được thành lập năm 1973 sau vụ thảm sát tại Thế vận hội Mu-ních 1972. GSG 9 được triển khai trong các trường hợp bắt cóc con tin, bắt cóc, khủng bố và tống tiền. Nhóm cũng có thể được dùng để đột kích chiếm giữ các vị trí, vô hiệu hóa các mục tiêu, theo dõi tội phạm và đôi khi tiến hành các hoạt động bắn tỉa. Ngoài ra, nhóm cũng rất tích cực phát triển và thử nghiệm các phương pháp và chiến thuật cho các nhiệm vụ này.
Từ năm 1972-2003, GSG 9 đã hoàn thành hơn 1.500 nhiệm vụ, mà chỉ nổ súng 5 lần. Tại cuộc thi đặc nhiệm chống khủng bố thế giới SWAT World Challenge năm 2005, GSG 9 giành thắng lợi ấn tượng 8/8 môn thi, đánh bại 17 đội khác. GSG 9 đã bảo vệ được chức vô địch của mình vào năm sau và giành vị trí thứ năm trong năm 2007.
Một trong những điệp vụ nổi tiếng nhất của GSG 9 là “Chiến dịch Feuerzauber” được tiến hành vào năm 1977 khi những kẻ khủng bố cướp một máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không Đức Lufthansa trên đường bay từ Pan-ma đê Ma-loóc-ca đến Phran-phuốc. Sau một cuộc phiêu lưu kéo dài 4 ngày, bọn không tặc hạ lệnh cho chiếc Boeing 737 bay đến Mô-ga-đi-su, Xô-ma-li. Trong đêm 17, rạng sáng 18-10, các đơn vị biệt kích Xô-ma-li đã tiến hành đánh lạc hướng, trong khi các thành viên của GSG 9 xông vào máy bay. Trận chiến chỉ kéo dài 7 phút và đã thành công với toàn bộ các con tin được giải cứu. Ba tên không tặc bị giết, tên thứ tư bị thương nặng. Chỉ có một thành viên GSG 9 và một tiếp viên hàng không bị thương.
Cục A
Cục A, Trung tâm Mục đích Đặc biệt (FSB) của Lực lượng An ninh Liên bang Nga, còn có tên là Alpha Group được thành lập ngày 28-7-1974. Đơn vị này đã đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến Tre-sni-a lần thứ nhất và thứ hai, cũng như hỗ trợ chính phủ Nga giải quyết cuộc khủng hoảng con tin từ những năm 1990.
Chức năng chính của Alpha Group là tiến hành các phi vụ chống khủng bố tại đô thị dưới sự phê chuẩn và chỉ đạo trực tiếp của giới lãnh đạo chính trị Nga. Alpha Group có quyền tiếp cận các vũ khí, trang thiết bị hiện đại nhất và có khả năng hoạt động trong một môi trường độc lập. Các thông tin về họ rất ít khi xuất hiện. Những lời đồn đoán cho rằng lực lượng Alpha có lính bắn tỉa và khả năng chống bắn tỉa, các dịch vụ cấp cứu y tế tốt, phá hoại, tình báo chiến thuật và các chức năng khác đặc trưng của cả các đội cảnh sát đặc biệt.
Điệp vụ đáng chú ý nhất thời Liên Xô của Alpha Group là cuộc tấn công vào cung điện của A-min tại Áp-ga-ni-xtan ngày 27-12-1979, chiến dịch đặc biệt đánh dấu sự khởi đầu của chiến tranh Xô-viết tại quốc gia này. Theo nhiều nguồn tin Nga, chiến dịch có tên là "Storm-333". Mục tiêu của chiến dịch là đột chiếm một ngọn đồi cao dưới hỏa lực cực mạnh và cuộc cận chiến dữ dội đã làm thiệt mạng Tổng thống Áp-ga-ni-xtan, Ha-phi-dun-la A-min, cùng khoảng 200 quân cận vệ tinh nhuệ của ông ta. Trong chiến dịch này Alpha chỉ mất hai người, trong khi các lực lượng khác của Xô-viết mất 19 người.
Alpha Group tiếp tục tồn tại sau sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết và đã được sử dụng trong nhiều tình huống khủng hoảng như hành động gây tranh cãi rất nhiều của họ trong việc xử lý vụ khủng hoảng con tin nhà hát Mát-xcơ-va năm 2002 và vụ khủng hoảng con tin trường học Bê-xlan năm 2004.
Nhóm can thiệp Hiến binh quốc gia
Nhóm can thiệp Hiến binh quốc gia (GIGN) được thành lập năm 1973. Đóng tại Sa-rô-ri, gần Pa-ri, đây là đơn vị đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố chính của Pháp. Ban đầu chỉ từ 15 người, GIGN đã dần phát triển trở thành một trong những đơn vị chống khủng bố thành công nhất thế giới.
GIGN thuộc hiến binh, một lực lượng lai giữa quân đội và cảnh sát. Tuy thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng hiến binh có vai trò giống cảnh sát. Do đó, họ có quyền hạn mà một đơn vị quân đội không có, như quyền bắt giữ nghi phạm bên trong nước Pháp. GIGN có thể vừa hoạt động như một đơn vị quân đội khi tham gia các chiến dịch chống khủng bố, vừa có thể hoạt động như một đơn vị cảnh sát khi tham gia các hoạt động chống tội phạm. Trong một thời gian dài sau khi thành lập, GIGN duy trì quân số khá nhỏ, khoảng gần 100 người, phần lớn được biên chế trong 4 nhóm tác chiến và 1 nhóm phụ trách hậu cần. Mỗi nhóm tác chiến có 16 thành viên. 2 trong số 4 nhóm này chuyên sâu về các chiến dịch xâm nhập bằng đường biển, 2 nhóm còn lại chuyên sâu vào xâm nhập bằng nhảy dù. Tại bất kỳ thời điểm nào, luôn có 2 nhóm ở trong tình trạng trực chiến 24/24. Ngoài ra còn có tổ chỉ huy, tổ tình báo và một tổ 4 người là chuyên gia đàm phán trong tình huống có con tin. Những thành viên của tổ đàm phán cũng đều là những cựu thành viên nhóm tác chiến, với từ 6 năm kinh nghiệm trở lên. Đối với những chiến dịch dài ngày, tại những địa điểm xa xôi, GIGN thường sẽ được triển khai cùng với trung đoàn biệt kích dù số 1, đơn vị xung kích tinh nhuệ chính của quân đội Pháp.
GIGN là một trong những đơn vị đặc nhiệm được triển khai thường xuyên nhất trên thế giới. Trung bình mỗi năm GIGN được giao 60 nhiệm vụ khác nhau. Trong đó giải cứu con tin là loại nhiệm vụ chính. Cho đến nay, GIGN đã tham gia tổng cộng hơn 1.000 nhiệm vụ khác nhau, trong đó giúp giải cứu hơn 500 con tin. Chiến dịch được biết đến nhiều nhất của GIGN là vụ giải cứu thành công chuyến bay Air France 8969. Chuyến bay này bị một nhóm khủng bố Hồi giáo bắt cóc cùng 221 hành khách và phi hành đoàn vào ngày 24-12-1994 tại An-giê-ri. Sau khi thả một số hành khách và hành quyết 3 người khác, nhóm không tặc yêu cầu máy bay đến Mác-xây vào ngày 26-12 để tiếp nhiên liệu. Dự định của chúng là cho máy bay nổ tung trên bầu trời Pa-ri với một thùng nhiên liệu đầy. Các thành viên của GIGN cải trang làm nhân viên sân bay thực hiện việc tiếp tế cho hành khách và vệ sinh máy bay. Họ đặt các thiết bị nghe lén bên trong máy bay và xác định số lượng không tặc. Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 26-12, GIGN đột kích lên máy bay theo 3 mũi với tổng cộng 30 người, sử dụng các xe thang của sân bay. Trong đó 2 đội đi vào bằng 2 cửa phía sau bên trái và phải, đội còn lại qua cửa phía trước bên phải. Đồng thời các xạ thủ trên nóc nhà ga sân bay bắn qua kính chắn gió buồng lái. Cuộc tấn công và đấu súng giữa hai bên kéo dài gần 20 phút và rất ác liệt, với hơn 1.500 phát đạn được bắn ra. Ngoài vũ khí tự động, nhóm không tặc còn dùng lựu đạn tự chế, trong khi GIGN dùng lựu đạn gây choáng. Khi cuộc đột kích kết thúc, nhóm không tặc gồm 4 tên bị tiêu diệt, 9 thành viên GIGN bị thương. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên máy bay lúc đó đều được cứu sống.
Với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong những lần giải cứu con tin, GIGN được Cục hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chọn phụ trách các chương trình đào tạo cách ứng phó với tình huống không tặc cho các nước thành viên.
Sayeret Matkal
Sayeret Matkal của Lực lượng phòng vệ I-xra-en, được thành lập từ năm 1958 theo mô hình đội không quân đặc nhiệm của quân đội Anh. Trận đột kích chớp nhoáng nổi tiếng nhất của Sayeret Matkal là cuộc hành quân “Sấm sét” (Thunderbolt), giải cứu hơn 100 con tin người Do Thái đi chuyến bay của hãng hàng không Air France bị một nhóm khủng bố ép bay sang U-gan-đa. Kết quả trận này, biệt kích Do Thái bắn hạ 52 lính U-gan-đa, tất cả nhóm khủng bố, đổi lại thiệt hại chỉ là 1 sĩ quan chỉ huy nhóm xung kích cùng ba con tin người Do Thái.
Lực lượng phòng vệ I-xra-en IDF và Sayeret Matkal được coi là yếu tố sống còn của nhà nước Do Thái. Sayeret Matkal được giao trọng trách tác chiến chủ yếu trong các chiến dịch chống khủng bố, giải cứu con tin của I-xra-en trong và ngoài lãnh thổ nước này. Quá trình chiêu mộ và huấn luyện nghiêm ngặt của Sayeret Matkal nhằm bảo đảm chắc chắn rằng chỉ những thanh niên mưu trí và nhiệt huyết nhất mới được gia nhập lực lượng. Sau khi vượt qua các bài kiểm tra về thể lực và tinh thần dưới sự giám sát của bác sĩ, chuyên gia tâm lý, những tân binh sẽ phải tham gia kỳ huấn luyện 20 tháng. Họ sẽ được lần lượt trải qua các khóa huấn luyện kỹ năng sử dụng vũ khí hạng nhẹ, võ thuật, tác chiến dưới nước, ngụy trang, trinh sát, định hướng... ngay tại lực lượng của mình và một số trung tâm tâm huấn luyện của IDF. Khả năng tác chiến tinh nhuệ, tinh thần dũng cảm của những binh lính Sayeret Matkal trong các chiến dịch đã đưa lực lượng này trở thành một trong những lực lượng chống khủng bố hàng đầu thế giới.
Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu là cựu quân nhân của Sayeret Matkal. Nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ như Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng đã được giao cho các cựu thành viên của lực lượng này. Có thể nói, đội ngũ lãnh đạo nhà nước Do Thái hiện nay được xây dựng trên nền tảng của Sayeret Matkal.
Theo Hà Giang/Báo QĐND
Khoảnh khắc lính dù Nga bắn hạ UAV 'khủng' của Ukraine
Một lính dù Nga đã tìm được cách dùng súng ngắn bắn hạ thành công một máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ của Ukraine.
Video Nga công phá 2 hệ thống tên lửa Mỹ ở tây nam Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video quay cảnh quân đội nước này tấn công, phá hủy 2 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo ở vùng Odessa, tây nam Ukraine.
Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành ‘khắc tinh’ của F-16 ở Ukraine
Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.
Nga hé lộ phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm ngắn Komar
Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Komar của Nga cung cấp khả năng phòng thủ tầm ngắn cho tàu chiến nhỏ và tàu hỗ trợ có lượng giãn nước lên tới 50 tấn.
Nga lần đầu ra mắt xuồng không người lái tại triển lãm quốc phòng
Nga vừa ra mắt xuồng không người lái “Vizir”, “Orkan”, “BEK-1000” tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế FLEET-2024.
Video UAV Nga phóng lưới 'tóm gọn' UAV của Ukraine
Quân đội Nga đã triển khai loại máy bay không người lái (UAV) mang tên Setkomet có khả năng phóng lưới để "bắt" các UAV của Ukraine.
FPV Nga truy đuổi, hạ gục xe tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong đêm
Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga kể lại vụ truy đuổi, tấn công phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine vào ban đêm.
Video lữ đoàn biệt kích Ukraine vô hiệu hóa xe tăng ‘mai rùa’ Nga bằng UAV
Chỉ với những chiếc UAV cảm tử, Lữ đoàn biệt kích biệt lập số 71 Ukraine đã khiến xe tăng ‘mai rùa’ của Nga hư hại nặng.
Video Ukraine phóng tên lửa nước ngoài, phá hủy S-400 của Nga ở Donetsk
Quân đội Ukraine đã phóng tên lửa đạn đạo ATACMS, phá hủy hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga ở khu vực Donetsk.
Video HIMARS Ukraine bắn nổ pháo ‘cuồng phong’ Nga
Đòn tấn công của hệ thống HIMARS Ukraine ngay lập tức tạo ra vụ cháy lớn cho pháo BM-27 Uragan Nga, trước khi vụ nổ thứ cấp phá hủy khí tài này.