Những con số giật mình từ rượu bia
Ảnh minh họa. |
Nếu số tiền mua rượu bia được dùng mua xe máy, thì có thêm 12,5% hộ nghèo hiện chưa có xe máy được sử dụng phương tiện đi lại phổ biến này.
Nếu không tính chi tiêu cho rượu bia vào tổng chi tiêu của hộ gia đình thì sẽ có thêm 90.568 hộ gia đình có mức chi tiêu rơi vào ngưỡng nghèo, tương đương 4.5% tổng số hộ nghèo (Theo định nghĩa của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hộ gia đình được phân loại là hộ nghèo khi chi tiêu trên đầu người ít hơn 4.800.000đ một năm).
Ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo trong khi số tiền chi cho rượu bia tương đương với 146 cốc bia/năm thì số tiền mua sữa cho trẻ em ở các gia đình này chưa đủ để mua một cốc sữa tươi/năm. Nếu số tiền mua rượu bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm thay vì 1 cốc/năm.
Năm 2012, chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia tương đương gần 3 tỷ USD (2,8 tỷ lít bia tiêu thụ năm 2012), ước tính gần bằng 3% số thu ngân sách của cả nước (chưa kể đến chi phí gián tiếp) trong khi đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát ở Việt Nam năm 2012 trên 19.000 tỷ đồng (tương đương 950 triệu USD) . Chi phí trực tiếp cho tiêu thụ bia nhiều gấp trên 3 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Theo cảnh báo của WHO, ước tính thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan đến chất có cồn tại Việt Nam là ~ 1 tỉ USD (năm 2010) (Văn phòng WHO Việt Nam, ước tính dựa trên Báo cáo thực trạng toàn cầu về chất có cồn và sức khỏe 2014).