Nhiều trẻ bỏng nặng trong những ngày cận Tết
Liên tiếp tiếp nhận ca bệnh nặng
Hơn một tháng trở lại đây lượng bệnh nhân đến khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn tăng đột biến. Trong số này 2/3 là trẻ nhỏ. Hiện tại khoa đang điều trị nội trú cho 35 bệnh nhi trên tổng số 50 bệnh nhân, chưa kể lượng trẻ điều trị ngoại trú lớn hơn rất nhiều. Hầu hết trẻ nhập viện đều do bỏng nước sôi.
Một bệnh nhi đang điều trị bỏng tại BV Xanh Pon |
Cu cậu le te chạy về nhưng anh lại khóa cửa sang nhà hàng xóm chơi. Bé Nam chạy sang gọi anh nhưng anh mải chơi không chịu về. Có lẽ sợ bố không có nước pha, nên Nam liền thò tay xách ấm.
“Có lẽ ấm nước quá nặng, nên cả nồi nước đang sôi trên bếp đổ ập lên người con. Nghe tiếng kêu thất thanh, chồng chị chạy vào thì thấy khắp 2 cánh tay, bụng và chân con ướt nhẹp, bốc hơi ngùn ngụt. Anh vội vàng đưa con đến BV Đức Giang cấp cứu và được chuyển tiếp đến BV Xanh Pôn. Tại đây các bác sĩ nói cháu bị bỏng sâu, diện tích bỏng lớn. Chẳng biết cháu có kịp về nhà ăn Tết không nữa…” – chị Mai Ngân vừa khóc vừa kể.
Ths. BS Nguyễn Quang Thống, trưởng khoa Bỏng BV Xanh Pôn cho biết: năm nào cũng vậy càng cận Tết thì tỷ lệ trẻ nhập viện do bỏng càng tăng. Nguyên nhân là do người lớn sơ suất, mải dọn nhà, làm việc nhà mà không quan tâm đến trẻ. Trong số này rất nhiều trẻ dưới 3 tuổi, chưa ý thức được nguy cơ gây nguy hiểm có thể xảy ra. Chỉ một phút bất cẩn của người lớn là tai họa có thể ập đến với trẻ.
Tuyệt đối không chữa bỏng từ các thầy lang
Đáng lo ngại là tình trạng một bộ phận người dân vẫn có thói quen chữa bỏng từ các thầy lang gần nhà. Theo Ths Thống, đây là việc làm hết sức nguy hại, bởi khi điều trị, tuy có thể thấy được diện tích của vết bỏng bằng mắt thường, song các thầy lang không được đào tạo cơ bản về chuyên khoa y tế, nên khó có thể nhận biết hết độ nông sâu, mức độ thương tổn của vết bỏng cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để mà điều trị.
Bởi chữa bỏng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: diện tích, độ sâu, độ tuổi mắc cũng như hoàn cảnh gây bỏng. Chưa kể, việc sử dụng thuốc đông y bôi, đắp lên các vết bỏng sẽ tạo lớp màng cứng mà nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của sự lành vết bỏng, thế nhưng, điều đó hoàn toàn sai lầm.
Bởi vì, sau khi màng cứng này hình thành, nó khiến tổ chức dưới da không được xử lý kịp thời dẫn đến hoại tử, mưng mủ không thoát ra được bên ngoài càng làm vết thương thêm trầm trọng.
Ths. BS Thống khuyến cáo: Người dân không nên chữa bỏng ở những thầy lang không có chứng chỉ hành nghề. Tránh để lại những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tốt nhất là hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện có chuyên khoa bỏng để được cấp cứu và xử lý kịp thời.
Xử trí đúng khi bị bỏng, trước hết, cần đưa nạn nhân ra khỏi nguồn gây bỏng. Ngăn chặn tiến triển bỏng bằng cách nạn nhân nằm lăn tròn dưới đất để dập lửa hoặc dùng chăn để dập.
Lưu ý, bệnh nhân không được chạy khi dập lửa và chăn dập lửa phải là chăn dày.Bước tiếp theo phải cởi bỏ quần áo của nạn nhân càng sớm càng tốt vì quần áo giữ nhiệt.
Ngoài ra, phải cởi bỏ những vật dụng gây siết bó như đồ trang sức, dây nịt...Sau đó, cần làm mát vùng bỏng bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước mát, sạch (khoảng 15 - 20 độ C) trong khoảng 20 phút hoặc đặt khăn, quần áo ướt lên vùng bỏng và phải thay khăn thường xuyên. Vùng bỏng của nạn nhân sau đó phải được che phủ bằng vải sạch khô và băng ép nhẹ.