Nhiều hoạt động kỷ niệm 240 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Công Trứ
Hoạt động kỷ niệm ngày sinh và năm mất của Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ sẽ diễn ra hết sức phong phú và đa dạng.
Cụ thể, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đã xuất bản cuốn sách “Thông Ngàn Hống”, giới thiệu một số thơ văn chọn lọc của danh nhân Nguyễn Công Trứ và những tác phẩm thuộc các loại hình văn, thơ, nghiên cứu văn hóa dân gian, lý luận phê bình và âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật có liên quan đến danh nhân Nguyễn Công Trứ.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đang xây dựng kịch bản và quay bộ phim tài liệu “Phải có danh gì với núi sông”; Báo Hà Tĩnh, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh cũng đăng tải các bài báo tuyên truyền, liên quan đến Uy viễn Tướng công.
Họp báo kỷ niệm 240 năm ngày sinh, tưởng niệm 160 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Công Trứ. |
Trước đó, UBND huyện Nghi Xuân đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm từ cuối tháng 10 đến tháng 12/2018; phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam xuất bản đĩa CD “Hát nói Nguyễn Công Trứ”; “Ca trù Cổ Đạm”; xuất bản tạp chí Giang Đình ra số đặc biệt viết về cuộc đời, sự nghiệp danh nhân Nguyễn Công Trứ”; tổ chức hội thi sân khấu hóa “Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Công Trứ”.
Liên hoan ca trù đã diễn ra từ 01 đến 05/11/2018, quy tụ gần 300 diễn viên, nghệ nhân là ca nương, kép đàn, quan viên và vũ công đến từ 15 câu lạc bộ thuộc 13 tỉnh, thành phố trong cả nước là các địa phương có di sản ca trù gồm Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và đơn vị chủ nhà Hà Tĩnh. Khoảng 100 tiết mục bao gồm tất cả các thể cách đã được các nghệ nhân biểu diễn tại sân khấu Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo huyện và các phòng ban liên quan thuộc huyện Nghi Xuân đã khảo sát và thống nhất đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 750 triệu đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo Khu di tích Nguyễn Công Trứ.
Ngày 24/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX”, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu; Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 52 tham luận khoa học rất công phu, có giá trị của các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh (các tham luận đã được tổng hợp, biên tập và in kỷ thành cuốn kỷ yếu hội thảo).
Lễ kỷ niệm ngày sinh và tưởng niệm năm mất của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ sẽ được tổ chức từ 20h ngày 15/12/2018 tại Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh.
Cũng tại chương trình này sẽ kết hợp với lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh cán đích nông thôn mới.
Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ sinh ngày 19/12/1778, tại xã Địa Linh, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Thân sinh ông là Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn (1720-1800), người làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh và Thái Bình - hai vùng quê giàu truyền thống văn hoá, văn hiến đã góp phần hun đúc, hình thành nên nhân cách trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn của một danh nhân đa tài, một nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nhà thơ lỗi lạc, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Hội thảo khoa học “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX” ngày 24/11 |
Nhân cách cao đẹp của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ là tấm gương của một trượng phu, quân tử. Dù phải trải qua bao thăng biến mà không oán, ghét. Trong cuộc đời làm quan, dẫu có chán với chốn quan trường, thấu rõ nhân tình thế thái nhưng ông không bi quan, nản chí; luôn sống tích cực, nhập thế hành động, giữ vững khí phách, tiết tháo của một nhà nho chân chính.
Dù ở cương vị nào, ông cũng làm tròn chức phận của một vị quan “thanh, cần, thận, trực”, “trung, dũng, trí, tín”; luôn giữ trọn nhân cách của một bề tôi “trung quân, ái quốc”. Vì vậy, sau gần ba mươi năm tham chính, ông vẫn khảng khái tự hào khi "Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo", về quê trí sĩ, gác bỏ việc đời, ngao du sơn thủy, sống trong cảnh an nhàn của một kẻ sĩ lãng tử, tài hoa, ung dung tự tại: "Khi ta làm Đại tướng không lấy đó làm vinh, nay là lính cũng không hề thấy nhục".
Hoạt động kỷ niệm 240 năm ngày sinh và tưởng niệm 160 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Công Trứ sẽ tô đậm thêm công lao và đóng góp của danh nhân đối với đất nước. Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống văn hoá, cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.