Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên HOSE vi phạm tỷ lệ sở hữu nước ngoài
Các doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu nước ngoài như SMC, DBT, KOS, OPC, PET, PJT
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố số liệu quản lý sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tính đến ngày 20/7/2022.
Theo đó, ngoại trừ các quỹ đầu tư chứng khoán hầu hết có tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trên 50% vốn điều lệ, số doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu trên 50% (dù room cho khối ngoại là 100%) chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chỉ có 8 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu thực tế trên 50% vốn điều lệ dù room tối đa cho khối ngoại là 100% gồm: BMP của CTCP Nhựa Bình Minh (85,48%), DHG của CTCP Dược Hậu Giang (54,24%), DMC của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (55,18%), EVE của CTCP Everpia 69,21% nhưng EVE vốn là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, KMR của CTCP Mirae (62,48%), SAB của Sabeco (62,67%), TYA của CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (52,95%), VNM của Vinamilk (54,62%).
IPM của Dược phẩm Imexpharm cũng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại khá lớn với 48,88%, trong khi room tối đa cho phép tại doanh nghiệp này là 75%.
Tuy nhiên, cũng có không ít các doanh nghiệp đã gần cạn room cho khối ngoại, các doanh nghiệp này có tỷ lệ sở hữu tối đa được phép là 49% hoặc 50%.
Đó là các doanh nghiệp: FPT (48,98%); MWG của Thế giới Di động (48,8%); PNJ (48,94%); SII của Hạ tầng nước Sài Gòn (48,93%); AST của Dịch vụ hàng không Taseco (42,59%); BIC của Bảo hiểm BIDV (46,36%); CMG của CMC Corp (40%); HCM của Chứng khoán TP.HCM (42,5%); HTL của Ô tô Trường Long (45,94%); LGC của Cầu đường CII (44,99%); TCM của Đầu tư – Thương mại – Dệt may Thành Công (46,34%); TMS của Transimex (43,68%); TRA của Dược phẩm Traphaco (45,45%);…
Một số ngân hàng còn khá nhiều dư địa cho khối ngoại, trong đó phải kể đến HDB của HDBank hiện đang được khối này nắm giữ 16,91%, hay BID của BIDV đang có 16,87% vốn điều lệ được nắm giữ bởi các NĐTNN.
Trái lại, một số doanh nghiệp tỷ lệ sở hữu của NĐTNN đã vượt quá mức cho phép. Chẳng hạn như ST8 của CTCP Siêu Thanh đang được NĐTNN nắm giữ 49,03% vốn điều lệ, dù room tối đa được phép là 49%.
Một số doanh nghiệp dù không được phép sở hữu bởi NĐTNN nhưng thực tế vẫn đang được NĐTNN nắm giữ, như: GDA của CTCP Sông Đà 7.04 hiện đang được NĐT ngoại nắm giữ 23,72% vốn điều lệ; NCG của Nova Consumer cũng đang được khối ngoại nắm giữ 11,06% vốn điều lệ; SGT của SaigonTel (11,17%).
Các doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu nước ngoài còn lại gồm: SMC của CTCP Thương mại SMC hiện đang được NĐT ngoại nắm giữ 20,65% vốn điều lệ; TGG của CTCP Louis Capital đang được NĐT ngoại nắm giữ 0,08%; DBT của CTCP Dược phẩm Bến Tre (2,8%); DCL của Dược phẩm Cửu Long (1,33%); EMC của Cơ điện Thủ Đức (0,17%); FIT của CTCP Đầu tư F.I.T (0,04%); GSP của Gas Shipping (0,71%); KOS của Tập đoàn Kosy (0,02%); LM8 của Lilama 18 (1,81%); LSS của Mía đường Lam Sơn (1,11%); OPC của Dược phẩm OPC (0,84%); PET của Petrosetco (2,07%); PJT của Vận tải xăng dầu đường thuỷ Petrolimex (1,25%).
Theo HoSE, trường hợp số lượng chứng khoán NĐTNN nắm giữ vượt room, NĐTNN và tổ chức kinh tế có NĐTNN sở hữu trên 50% vốn điều lệ chỉ được phép bán chứng khoán cho đến khi tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại công ty đại chúng bằng hoặc nhỏ hơn tỷ lệ NĐTNN sở hữu tối đa công bố.
Ngân Giang
Chứng khoán chao đảo bởi tin đồn
Câu chuyện tung tin đồn thất thiệt liên quan một số lãnh đạo doanh nghiệp thời gian gần đây đã kéo theo những tác động xấu đến thị trường chứng khoán và hoạt động kinh tế khác.