Nhiều chính sách thuế, phí đã thúc đẩy nền kinh tế phục hồi
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 vừa được Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính tổ chức chiều 30/12 dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Nguyễn Quốc Hưng.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Trương Bá Tuấn đã có báo cáo về kết quả công tác năm 2022. Theo báo cáo, nền kinh tế Việt Nam được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh này, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển, Vụ Chính sách thuế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Đáng chú ý là các chính sách, giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, dự kiến doanh nghiệp, người dân sẽ được giảm nghĩa vụ khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; Giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí giúp doanh nghiệp, người dân được giảm khoảng 900 tỷ đồng…
Dự kiến trong năm 2022 hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí lên tới hơn 233 nghìn tỷ đồng (số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng).
Đặc biệt, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, lại vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
“Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai kịp thời, có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua”, Phó Vụ trưởng Trương Bá Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, các cơ chế, chính sách do Vụ Chính sách thuế chủ trì soạn thảo trình các cấp có thẩm quyền ban hành đã bảo đảm góp phần ổn định thu ngân sách nhà nước, đáp ứng các cam kết hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo ra tác động lan tỏa lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Về phương hướng hoạt động trong năm 2023, Vụ trưởng Nguyễn Quốc Hưng cho biết, Vụ Chính sách thuế sẽ xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và thực hiện các đề án phát sinh khác theo chỉ đạo để phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự kiến sẽ có 16 thông tư quy định về phí, lệ phí đang triển khai xây dựng sẽ có hiệu lực trong năm 2023 và khoảng 10 thông tư sẽ phát sinh thêm.
Hà Minh