Nhiếp ảnh gia Na Sơn: “Ký sự Syria… làm cho ngày 21/6 thì hợp”
Trước đó, Infonet đã đăng bài về những phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng quanh Ký sự Syria. Nhiều người đã giật mình trước những lời kể, cảnh chiến sự tại Syria trần trụi với sự chết chóc, dã man và cảm nhận sự nguy hiểm của nhóm làm phim.
Tuy nhiên, cũng có không ít những ý kiến trái chiều cho rằng, những thước phim đã “kịch” quá và "PR thái quá" khi sự xuất hiện và lời kể của “phóng viên chiến trường” quá nhiều.
Để cộng đồng có thêm góc nhìn của người đã từng đến Syria và là người đã từng đối mặt với với chết chóc, thảm họa, thậm chí là chiến tranh để có những bức ảnh lay động “những người duyệt ảnh khó tính của Hãng tin nước ngoài AP”, PV Infonet đã có cuộc trao đổi ngắn với Nhiếp ảnh gia Na Sơn, Người chụp ảnh chính cho Hãng tin AP tại Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Na Sơn đã từng xông xáo vào nhiều nơi khốc liệt như Bão Haiyan tràn qua Philippines, cảnh chiến tranh ở Syria và Lebanon hay những trận lũ lụt, thiên tai, sập cầu diễn ra ở Việt Nam…
![]() |
Na Sơn gửi bài, ảnh bằng điện thoại vệ tinh ở biên giới Syria-Lebanon tháng 7/2006 |
Sau khi xem Ký sự Syria của VTV 24, Nhiếp ảnh gia Na Sơn chia sẻ: “Việt Nam hiện nay làm gì có ai phóng viên chiến trường. Kể cả chúng tôi đi kỳ trước. Nguy hiểm đấy nhưng chỉ là lớt phớt. Không phải phóng viên chiến trường thực sự”.
Dưới con mắt phóng viên ảnh đã đặt chân đến Syria, Na Sơn thẳng thắn thể hiện quan điểm: “Tôi thấy cái Ký sự Syria, nó chả có nội dung gì và cũng chả hiểu gì về cuộc chiến Syria cả. Đấy không phải nội chiến”.
“Theo tôi, Ký sự Syria không phải phóng sự về Syria mà giống như phóng sự về tác nghiệp, làm cho ngày 21/6 thì hợp”- Na Sơn chua chát nhận định.
Những nhận định của Na Sơn khá phù hợp với những cảnh báo của Viện An toàn Tin tức Quốc tế (INSI) về phóng viên chiến trường, trong bài viết “Phóng viên chiến trường - Nghề không dành cho những kẻ "thích thể hiện" mới đăng trên Infonet.
Theo INSI, để làm một phóng viên chiến trường cần phải có kế hoạch và sự chuẩn bị chu đáo cả về mặt thể chất và tinh thần. Hầu hết các vùng xung đột đều yêu cầu người phóng viên phải có khả năng ít nhất là chạy, trốn và chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt. Điều cần thiết theo INSI là phóng viên nên tham gia một khóa học trong môi trường thù địch bao gồm những bài học huấn luyện an ninh và cứu thương cơ bản trước khi dấn thân vào thực địa. INSI cũng cung cấp những khóa đào tạo như vậy cho các hãng tin tức.
Ngoài ra, một phóng viên chiến trường cần phải nắm rõ thông tin về khu vực mà mình đến, về người dân cũng như nguồn gốc của cuộc xung đột. INSI đưa ra lời khuyên rằng, cần phải học các cụm từ địa phương hữu dụng, bao gồm cả các từ dành riêng cho “báo chí nước ngoài” hay “nhà báo”. Tìm hiểu các ngôn ngữ cử chỉ địa phương cũng rất quan trọng.
INSI còn khuyên các phóng viên chiến trường nên mang theo những công cụ phòng thân hợp lý cùng một bộ đồ sơ cứu cơ bản. Bên cạnh đó, phóng viên chiến trường nhất thiết phải đeo một chiếc vòng tay nhận diện quốc tế với y hiệu (biểu tượng hai con rắn quấn vào nhau trong y học) cũng như có một số thông tin về tiền sử dị ứng và nhóm máu.
Về trang phục, nên mặc những trang phục dân thường trừ khi bạn được công nhận chính thức là một phóng viên chiến trường và được yêu cầu mặc trang phục đặc biệt. INSI cho biết, các phóng viên nên mặc đồ màu tối, không nên mặc đồ sáng màu và quá nổi bật, không đeo trang sức hay mang theo các vật dụng đắt tiền…
Về trang thiết bị và đồ chống đạn, cần chuẩn bị để mặc áo chống đạn, áo giáp, mũ bảo hiểm, mặt nạ chống độc. Tránh mang những đồ vật lấp lánh hay các gương phản chiếu bởi dưới ánh sáng mặt trời, trông chúng sẽ rất giống vệt súng lóe lên.
Thêm một vấn đề nữa mà INSI cảnh báo, đó là cần phải hợp tác với lực lượng quân đội từ trước khi tác nghiệp. Rất nhiều binh lính ở chiến trường không được huấn luyện tốt, thiếu kinh nghiệm và rất dễ sợ hãi. Họ sẽ bắn ngay khi họ cảm thấy bất an. Đừng cho là họ có thể nhận ra phóng viên chiến trường nhất là trong tình trạng chiến đấu dày đặc. Ngoài ra, nên có sự đồng ý của quân đội trước khi chụp hình hay quay phim và nắm rõ tính nhạy cảm địa phương trong mỗi bức hình của mình.
![]() |
Ảnh minh họa trang phục phóng viên chiến trường |
![]() |
Ảnh chụp từ clip phát trên truyền hình Việt Nam |
Những hình ảnh của Nhà báo Lê Bình và nhóm làm phim, xuất hiện trên truyền hình, đã không giống với khuyến cáo trên. Điều này đã khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi về cuộc chiến tranh ác liệt như một đoạn kịch, một “trò PR”… Có người còn đặt câu hỏi về kinh phí cho chuyến đi đó của Đài Truyền hình Quốc gia được lấy từ đâu, có phải từ thuế của dân không?
Trước đó, Infonet đã đăng hàng loạt những ý kiến của cộng động mạng bày tỏ quan điểm về Ký sự Syria của VTV 24.
Ông Trịnh Quang Tân, nguyên cán bộ Công an về hưu, sau khi xem đi xem lại phóng sự của VTV24 đã thốt lên: “Tôi thấy Việt Nam hiện nay chưa có phóng viên mặt trận thực sự”.
Phân tích kỹ hơn, Facebooker có tên Kim Như Hoàng cho rằng: Cả 3 lần suýt chết, đối diện với cái chết của nhóm làm phim chưa thật.
“Ba lần "đối diện với cái chết" được mô tả đẹp đẽ trong phần phụ lục và được PR trong mấy ngày qua cũng chỉ có thế. Đúng như dự đoán, không có gì hấp dẫn ngoài một trò PR”- Facebooker này nhận định.
Comment dưới nội dung này, Facebooker Thành Nguyễn cũng đồng quan điểm: “Em ít khi biết mặt các phóng viên chiến trường thực sự, vì họ là những người bám với chiến sự. Ít khi có điều kiện thời gian rảnh PR bản thân như mấy phóng viên Việt Nam”
Facebooker Sông Hồng lại có hẳn một statut bày tỏ quan điểm: “Cả làng hóng phóng sự chiến trường Trung Đông trên đài quốc gia. Hoá ra, đó thực sự là nhật ký 1 chuyến du lịch mạo hiểm, không hơn không kém. Xem xong, phải nhắc lại là đừng có tin quảng cáo, ảo lắm…”.