Nhật, Trung tranh nhau khai thác tài nguyên ở Châu Phi
Khủng hoảng năng lượng ở Nhật Bản
Tháng 3/2011, trận động đất và sóng thần đã khiến các lò phản ứng tan chảy tại nhà máy hạt nhân Fukushima số 1. Tai họa nguyên tử này đã khiến khoảng 50 lò phản ứng tại Nhật Bản buộc phải ngừng hoạt động. Kể từ đó, Nhật Bản đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có kể từ sau cú sốc dầu mỏ đầu những năm 1970.
Trước tình hình đó Nhật Bản đã phải quay trở lại đốt nhiên liệu hóa thạch, và tìm kiếm các nguồn than, dầu và khí đốt tự nhiên mới.
Các quan chức chính phủ, các công ty thương mại đang nỗ lực để phát triển các mối quan hệ mà họ đang có từ Alaska tới Texas, Úc, Indonesia, đồng thời tìm kiếm thêm các thị trường năng lượng mới. Một trong số đó là Châu Phi xa xôi. Và tại đây, Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc.
Các quan chức của chính phủ và đại diện các công ty tập trung tại Diễn đàn doanh nghiệp Đầu tư Công nghệ Bền vững Nhật Bản tập trung vào các nguồn tài nguyên ở châu Phi hôm 16/5/2013 tại Tokyo. |
Sức quyến rũ của châu Phi là điều dễ hiểu. Libya đứng thứ 9, Nigeria đúng thứ 10 và Angola đứng thứ 16 trong trữ lượng dầu mỏ thế giới. Về khí đốt tự nhiên, Nigeria xếp thứ 8, Algeria xếp thứ 9 và Ai Cập xếp thứ 15.
Hơn nữa, Châu Phi nắm giữ 95,5 % trữ lượng bạch kim trên thế giới, 58,3% kim cương, 49,2% coban, 45,8% crom và 27,1% mangan trên thế giới.
Việc lấy được quyền khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ châu Phi hiện nay là một ưu tiên ngoại giao của Tokyo.
Năm ngoái, Nhật Bản đã nhập khẩu 87,3 triệu tấn LNG, trong đó có 10% là từ 4 nước châu Phi : Nigeria (4,78 triệu tấn), Equatorial Guinea (2,79 triệu tấn), Ai Cập (1,03 triệu tấn ) và Algeria (160.000 tấn). Đặc biệt, LNG của Nigeria được đánh giá cao về chất lượng.
Tầm quan trọng của tài nguyên ở châu Phi đối với các chính sách công nghiệp năng lượng của Nhật Bản đã được công nhận bởi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe. Đầu tháng này, chính phủ đã công bố một sáng kiến cung cấp 200 tỷ yen (tương đượng gần 2 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính trong 5 năm tiếp theo cho các công ty Nhật Bản đầu tư vào phát triển khai thác khoáng sản đất hiếm, dầu và khí đốt tự nhiên ở châu Phi. Sáng kiến mới này cũng bao gồm đào tạo phát triển tài nguyên cho 1.000 người.
Giành nhau từng hợp đồng khai thác tài nguyên
Khi Trung Quốc đã kiểm soát hơn 90% thị trường toàn cầu về kim loại đất hiếm hiện nay thì việc tìm kiếm các nguồn mới của nguyên liệu này ở những nơi như Malawi, châu Phi có vai trò ngày càng quan trọng không chỉ với Nhật Bản mà còn đối với nhiều quốc gia khác đang lo ngại đến việc Trung Quốc sẽ cắt giảm lượng xuất khẩu đất hiếm.
Sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở châu Phi có thể thấy rõ nhất ở Zimbabwe. Tại đây, Tokyo và Bắc Kinh đang đấu tranh để giành lấy các hợp đồng khai thác những mỏ than rộng lớn của đất nước này. Năm ngoái, Chính phủ Zimbabwe đã ký hợp đồng đầu tiên với Nhật Bản, cung cấp 15 triệu tấn than mỗi năm. Ngoài ra, Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến than Zimbabwe, và đã công bố kế hoạch phát triển riêng để khai thác tài nguyên này của mình.
Để giành ảnh hưởng ở châu Phi, lấy quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, Nhật Bản từ lâu đã sử dụng Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi, được thành lập vào năm 1993 để làm bàn đạp. Trong khi đó Trung Quốc lại có các diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, được thành lập vào năm 2000.
Ở một số nước châu Phi có tài nguyên khoáng sản phong phú như Nam Phi, Nhật Bản đặc biệt có ảnh hưởng. Đối tác thương mại lớn thứ ba của Nam Phi là Nhật Bản. Tại đây có hơn 100 công ty Nhật Bản. Và chính phủ không chỉ quan tâm đến việc nhập khẩu các nguồn tài nguyên của Nam Phi mà còn xuất khẩu một trong những công nghệ nổi tiếng nhất của Nhật Bản: các tầu tốc hành.
Nhật Bản đã có nhiều năm khám phá những mỏ khí đốt tự nhiên và dầu mở Đông Phi, trong khi đó Trung Quốc cũng công bố các dự án viện trợ mới cho các nước trong khu vực này. Năm ngoái, Nhật Bản cho biết sẽ cung cấp một khoản vay 340,6 triệu USD cho Kenya để xây dựng một đường vòng đường cao tốc ở Mombasa, thành phố lớn thứ hai của đất nước này.
Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh có một số lợi thế hơn Tokyo. Đầu tiên là mối quan hệ lịch sử và chính trị sâu sắc với Châu Phi, giúp tạo ra những mối quan hệ thương mại sâu hơn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Chính phủ Trung Quốc thống kê rằng trị giá thương mại quốc gia với châu Phi của Trung Quốc năm 2011 là 138,6 tỷ USD, trong khi đó của Nhật Bản chỉ rơi vào khoảng 27,8 tỷ USD. Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án khí đốt và dầu khí ở gần 10 nước ở Đông Phi và Tây Phi.
Với chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ, những chiến lược "kinh doanh là kinh doanh, và chính trị là chính trị" trong ngoại giao với châu Phi đã cho phép đất nước này có được các thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên tại những nước có một số chế độ được cho là bất hợp pháp ở Nhật Bản và nhiều nền dân chủ phương Tây.
Việc Hoa Kỳ cho phép xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 4,4 triệu tấn LNG mỗi năm trong 20 năm bắt đầu từ năm 2017, áp lực tranh giành để có được nguồn cung cấp lớn hơn bao giờ hết từ những vùng đất như châu Phi dường như đã giảm đi phần nào.
Tuy nhiên với sự giàu có về năng lượng và khoáng sản của châu Phi, thì chắc chắn sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc về các hợp đồng năng lượng sẽ ngày càng trở lên khốc liệt.