Nhật 'bắt tay' Triều Tiên, các đồng minh khó chịu
Phát ngôn viên của Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết hôm thứ Tư (22/5) rằng nếu Triều Tiên có thể đem đến một bước đột phá trong việc giải quyết các vụ bắt cóc thì Nhật Bản sẽ xem xét tổ chức các cuộc hội đàm cao cấp với nước này. Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ định ông Suga chuẩn bị cho việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong Un trong trường hợp Triều Tiên sẵn sàng.
Cố vấn cấp cao của thủ tướng Nhật Bản - Isao Iijima tới sân bay Bình Nhưỡng hôm 14/5 |
Điều này đã nâng cao mối lo ngại cho các đồng minh của Tokyo, bao gồm Mỹ và Hàn Quốc. Các nước này cho rằng sự cởi mở của Nhật Bản sẽ làm suy yếu những nỗ lực kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe đã cử một cố vấn cấp cao của mình tới Bình Nhưỡng hồi tuần trước, gây bất ngờ cho cả Seoul và Washington. Cả hai nước cho biết họ đã không được thông báo trước.
Washington và các nước láng giềng của Triều Tiên đã đẩy mạnh áp lực của họ lên Bình Nhưỡng kể từ khi nước này thực hiện một phóng tên lửa và một vụ thử hạt nhân thứ ba vào đầu năm nay.
Tokyo cũng tỏ ra quan ngại sâu sắc về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Tuy nhiên, các vụ bắt cóc từ lâu đã nằm trong chương trình nghị sự của họ và là trở ngại lớn nhất để nối lại các cuộc hội đàm của quan chức hai nước, trước đó đã bị trì hoãn kể từ cuối tháng 11/2012.
Glyn Davies, Đại diện đặc biệt của Mỹ về các chính sách Triều Tiên cảnh báo Bình Nhưỡng có thể cố gắng sử dụng các cuộc đàm phán với Nhật Bản để thực hiện chính sách chia rẽ Tokyo, Washington và Seoul.
Chi tiết của các cuộc đàm phán của phái viên Nhật Bản tại Bình Nhưỡng đã không được tiết lộ, nhưng ông Abe cho biết trong tuần này rằng Nhật Bản phải đi đầu trong việc giải quyết vấn đề bắt cóc.
Sau nhiều năm phủ nhận cáo buộc đã bắt cóc hơn 10 người Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980, Triều Tiên đã chính thức công nhận hành động của mình vào năm 2002. Sau đó, một hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng đã được tổ chức, Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là Junichiro Koizumi đã thỏa thuận với chính quyền Triều Tiên và cho thả 5 nạn nhân trở về nước. Triều Tiên không cho biết tình hình của những nạn nhân còn lại liệu đang còn sống hay đã chết.
Các quan chức Nhật Bản vẫn tin rằng còn nhiều người bị bắt cóc hiện vẫn đang sống tại Triều Tiên. Nhật Bản đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin về các nạn nhân này và đề nghị kịp thời trao trả họ trở về đất nước.