Nhật Bản xem xét bốn tình huống bùng bổ chiến tranh Triều Tiên
Nhật Bản xem xét bốn tình huống bùng bổ chiến sự Triều Tiên |
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản mới đây đưa tin, Chính phủ nước này đang nghiên cứu khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện tại Bán đảo Triều Tiên.
Bài báo lưu ý rằng, vấn đề hiện đang được xem xét trong khuôn khổ Hội đồng An ninh Quốc gia với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Shinzo Abe. Giới lãnh đạo Nhật Bản sẽ thảo luận về những hành động mà Lực lượng Phòng vệ sẽ thực hiện trong trường hợp tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trở nên trầm trọng thêm.
Hãng tin nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ có quyền sử dụng cơ chế an ninh tập thể và nhận được sự ủng hộ quân sự từ Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo này.
Bên cạnh đó, Kyodo tiết lộ, chính phủ Nhật Bản cũng vạch ra một số tình huống bùng nổ chiến sự tại giai đoạn hiện nay, trong đó có: cuộc đụng độ giữa các lực lượng vũ trang của Triều Tiên và Hàn Quốc; đòn tấn công phủ đầu của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên; cuộc xâm nhập của các lực lượng Hàn Quốc tại Triều Tiên; cũng như các cuộc tấn công tên lửa của Bình Nhưỡng đến Nhật Bản.
Thời gian gần đây, tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày một xấu đi. Giới lãnh đạo Triều Tiên đã tiến hành nhiều đợt phóng tên lửa, cũng như thử hạt nhân từ hồi đầu tháng Chín năm ngoái.
Các hành động này của Triều Tiên đã vấp phải những chỉ trích nghiêm trọng từ cộng đồng quốc tế, vốn đang cố tìm cách gây áp lực lên Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt.
Về phần mình, Triều Tiên gọi các biện pháp hạn chế của Liên Hiệp Quốc mới được thông qua vào cuối năm 2017 là "một hành động chiến tranh". Phản ứng trước sự khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng, Washington cũng không loại trừ khả năng áp dụng giải pháp quân sự cho vấn đề này.
Trước đó, trong thông điệp năm mới 2018, ông Kim Jong-un đã gửi lời cảnh báo đanh thép tới Mỹ: "Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của các vũ khí hạt nhân nước ta, và một nút hạt nhân luôn nằm trên bàn của tôi. Đây là sự thật, không phải lời đe dọa. Năm nay chúng ta cần tập trung sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để triển khai hoạt động. Những vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng nếu an ninh nước chúng ta bị đe dọa".
Trước đó, Nga và Trung Quốc đã đề nghị Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa, đổi lại phía Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ tránh tiến hành cuộc tập trận trong khu vực để ổn định tình hình trên bán đảo, nhưng Washington đã bỏ qua sáng kiến này.