Nhật Bản tung bằng chứng tàu Trung Quốc “bao vây” Senkaku/ Điếu Ngư
Cuối tuần qua, có nhiều báo cáo cho biết Tokyo có kế hoạch triển khai tên lửa với tầm phóng gần 300 km tại các đảo như Miyako thuộc tỉnh Okinawa vào năm 2023. Tầm bắn này có thể dễ dàng tiếp cận Senkaku/ Điếu Ngư.
Tờ báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hôm 14/8 cho biết: “Trước những hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku, Nhật Bản dự định sẽ tăng cường phòng vệ, ngăn chặn với hệ thống tên lửa tấn công tầm xa”.
Hôm 16/8, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng công bố một đoạn video làm bằng chứng cho thấy sự khiêu khích từ phía Trung Quốc. Thời gian xảy ra hành động trên là từ ngày 5-9/8, đoạn video cho thấy 28 lần tàu Bắc Kinh vi phạm khu vực lãnh hải mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Không chỉ các tàu đánh cá Trung Quốc mà cả tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này cũng tham gia xâm phạm trong các đoạn video nói trên.
Tuần duyên Nhật Bản đã gửi một thông báo điện tử đến các tàu Trung Quốc với nội dung “Tàu của bạn đã xâm nhập trái phép vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Không có sự vô tình đi qua nào được chấp nhận ở đây. Hãy ra khỏi khu vực này ngay lập tức”.
Theo tuyên bố từ phía các tàu tuần duyên Nhật Bản, 18 tàu Trung Quốc có trang bị súng máu. “Hành động này từ phía Trung Quốc là không thể chấp nhận được và sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng”, tuyên bố cho biết.
Trước đó, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, số lượng các tàu Trung Quốc điều đến khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư lớn hơn rất nhiều so với số lượng tàu của Bắc Kinh ở vùng biển gần Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông hiện nay.
Đầu tháng 8/2016, có tới 15 tàu của Trung Quốc đồng loạt áp sát lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku. Để "hỗ trợ" cho số tàu này, ở vòng ngoài có khoảng 200-300 tàu cá hoạt động. Trước động thái này, Chính phủ Nhật Bản đã trao 30 công hàm phản đối cho Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 5-10/8.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, không chỉ tăng cường số tàu cá một cách bất thường, Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc tập trận tại khu vực Biển Hoa Đông, rõ ràng những cuộc tập trận này nhằm gia tăng sức ép quân sự nhằm vào Nhật Bản.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, từ thế kỷ 14. Tokyo vẫn duy trì quyền sở hữu chính thức ở quần đảo này từ giữa năm 1895 tới khi kết thúc Thế chiến thứ II.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.