Nhật Bản nhận lô hàng nhiên liệu hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2011
Nhiên liệu hỗn hợp MOX (Oxít Uranium-Plutonium) này được chở tới bằng một chuyến tàu chở hàng từ Pháp đến nhà máy điện hạt nhân Takahama trên bờ Biển Nhật Bản. Hàng chục nhà hoạt động chống hạt nhân đã tụ tập bên ngoài nhà máy, hô khẩu hiệu chống lại lô hàng và việc sử dụng nhiên liệu này.
Người biểu tình phản đối tàu chở hàng, mang MOX tới nhà máy điện hạt nhân Takahama tại tỉnh Fukui, Nhật Bản,hôm 27/6/2013. |
Công ty Điện lực Kansai, nhà điều hành nhà máy Takahama hy vọng sẽ sử dụng nguyên liệu trên khi được phép khởi động lại các lò phản ứng, có thể vào đầu năm tới.
Chỉ có 2 trong tổng số 50 lò phản ứng hạt nhân không bị đóng cửa vì những lo ngại về an toàn và phải nâng cấp kể từ sau khi thảm họa động đất và sóng thần làm tan chảy các lõi lò phản ứng và nổ lớn tại nhà máy Fukushima, phía đông bắc Tokyo, gây thiệt hại và rò rỉ phóng xạ lớn.
Lẽ ra lô hàng trên đã được chuyển đến từ năm 2011 để sử dụng cho lò phản ứng Số 3 của nhà máy Takahama nhưng sau đó đã bị hoãn loại trong bối cảnh nhiều người dân phản đối chương trình hạt nhân và sự chưa chắc chắn về chương trình chu trình nhiên liệu của Nhật Bản sau sự cố Fukushima.
Người biểu tình đứng trước cửa nhà máy điện hạt nhân Takahama. |
MOX đặc biệt gây tranh cãi vì nó có chứa plutonium. Nhật Bản có một kho dự trữ ngày càng lớn plutonium chiết xuất từ các thanh nhiên liệu, và muốn sử dụng nó để tạo ra nhiều năng lượng hạt nhân hơn, giúp làm giảm lượng chất thải hạt nhân phải lưu trữ. Những người phản đối chính sách cho rằng sử dụng nhiên liệu có plutonium ít an toàn hơn, và lưu ý rằng vật liệu tái chế này có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Chương trình chu trình nhiên liệu của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng không chỉ bởi những ý kiến phản đối mà còn là những trở ngại kỹ thuật, phải tạm dừng nhiều năm do liên tiếp xảy ra những sự cố và vi phạm những quy định về an toàn.
Những lò phản ứng hạt nhân khác tại Nhật Bản có thể sử dụng MOX, nhưng chỉ khi kết hợp với một lượng lớn nhiên liệu uranium, và chỉ khi được cộng đồng địa phương chấp nhận.
Và mặc dù một nhà máy ở miền bắc Nhật Bản đã tái xử lý được chất thải thành plutonium, nhưng Nhật vẫn thiếu cơ sở để sản xuất MOX từ plutonium này. Nhật Bản chưa có khả năng tự sản xuất MOX nên các nhà máy hạt nhân Nhật Bản sử dụng MOX phải gửi nhiên liệu sang công ty nhiên liệu hạt nhân Areva SA của Pháp để tái chế và sản xuất MOX.
Phát ngôn viên của Kansai, Takahiro Senoh cho biết việc nối lại các chuyến hàng nhiên liệu MOX cho thấy, chính phủ sẽ giữ lại năng lượng hạt nhân và chương trình chu trình nhiên liệu hạt nhân. Ông cho biết chi tiết của lô hàng không thể được tiết lộ vì lý do an ninh cho đến khi nó được kiểm tra và chuyển an toàn đến lò phản ứng Số 3.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2012, chính phủ ủng hộ hạt nhân của Thủ tướng Shinzo Abe đã vận động nối lại các lò phản ứng an toàn, đồng thời cố gắng thúc đẩy việc xuất khẩu hạt nhân sang các quốc gia mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần trước, Cơ quan Quy chế Hạt nhân đã công bố những quy định mới, có hiệu lực từ ngày 08/7 tới, mở đường cho việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân, nếu họ đạt được những quy định mới về an toàn hạt nhân.
Kansai Electric cho biết đã yêu cầu được kiểm tra 2 hai lò phản ứng tại Takahama và Ohi gần đó khi các quy định mới có hiệu lực. Một số công ty khác cũng dự kiến sẽ nộp đơn xin kiểm tra tổng cộng khoảng 10 lò phản ứng.
Chủ tịch Cơ quan Quy chế Hạt nhân, Shunichi Tanaka cho biết việc thanh tra sẽ kéo dài trong 6 tháng nhưng không cho biết sẽ tiến hành kiểm tra lò phản ứng nào đầu tiên.