Nhật Bản muốn “đặt chỗ” ở Myanmar
Theo hãng tin AFP, Nhật Bản đang muốn “đặt chỗ” để hợp tác với nền kinh tế dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra sau khi một loạt các nhà lãnh đạo thế giới “đổ về” quốc gia một thời là quốc gia khép kín và chỉ vừa mở cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Nhật Bản (phải) và “biểu tượng dân chủ” của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi tại Tokyo ngày 17/4. |
Trong chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản kể từ năm 1977, ông Abe sẽ đóng vai trò là người “chào hàng” cho các doanh nghiệp Nhật để tăng lượng xuất khẩu các dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng lên gấp 3 lần, giúp khôi phục nền kinh tế ảm đạm của nước này.
Trước chuyến thăm của ông Abe, các hoạt động ngoại giao song phương đã được thực hiện và một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo muốn giúp Myanmar vào thời kỳ thay đổi với tốc độ cao này.
Theo quan chức này, chuyến thăm của ông Abe “sẽ cho thấy cả lĩnh vực công và tư nhân của Nhật Bản sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Myanmar trong công cuộc dân chủ hóa, củng cố luật pháp, chuyển sang cơ chế thị trường và hòa giải dân tộc”.
Vị quan chức này cũng cho biết ông Abe sẽ dành 3 ngày ở Myanmar.
Hôm qua (23/5), nhật báo Nikkei cho biết trong chuyến thăm này, ông Abe sẽ thông báo về khoản viện trợ 100 tỷ yên (khoảng 1 tỷ USD).
Đi cùng ông Abe là một phái đoàn gồm 40 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản trong đó có Mitsubishi, Mitsui, Marubeni và Sumitomo cùng các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng như Taisei và JGC.
Trong chuyến thăm này của ông Abe, Nhật Bản sẽ trình bày kế hoạch phát triển hệ thống điện cho Myanmar tới năm 2030 trong đó có đề xuất sử dụng các công nghệ xanh.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật cho biết ông hi vọng Nhật Bản có thể xuất khẩu dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 30 nghìn tỉ yên (290 tỷ USD) vào năm 2020 và cam kết sẽ công du vòng quanh thế giới để “chào hàng”.
Quan chức ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết ngoài chương trình làm việc về kinh tế, ông Abe sẽ đề cập tới vấn đề các dân tộc thiểu số của Myanmar sau khi xảy ra một loạt các vụ tấn công phe phái đẫm máu trong những tháng gần đây.
“Hai và ba năm tới sẽ là thời gian quan trọng không chỉ với các quốc gia thành viên ASEAN mà còn với mối quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta”, ông Abe nói và cho rằng “còn rất niều việc phải làm” trong công cuộc cải cách chính trị ở Myanmar. Sang năm, Myanmar sẽ trở thành chủ tịch của ASEAN.
“Thông điệp lớn nhất gửi tới Myanmar là chính quyền Abe cho rằng các quốc gia Đông Nam Á rất quan trọng đối với Nhật Bản và Myanmar là quốc gia duy nhất mà cả Thủ tướng và Ngoại trưởng Nhật chưa tới thăm”, quan chức Nhật cho biết.
Ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Myanmar Thein Sein ngày 26/5, ông Abe sẽ gặp biểu tượng của dân chủ và cũng là lãnh đạo lực lượng đối lập, bà Aung San Suu Kyi, người đã tới thăm Nhật Bản vào tháng trước.
Không giống như các đồng minh phương Tây, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ thương mại và đối thoại với Myanmar trong suốt những năm quân đội lãnh đạo nước này.
Theo một quan chức giấu tên của chính quyền Myanmar, “Myanmar cần sự hỗ trợ cụ thể và gấp rút từ Nhật Bản. Nhật Bản sẽ giúp về công nghệ, ngân hàng, thị trường tiền tệ, phát triển nguồn nhân lực, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, nhà xưởng, giảm nợ, xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Hồi tháng 12 năm ngoái, hai quốc gia đã nhất trí trong năm nay sẽ hợp tác về một khu công nghiệp khổng lồ gần thủ đô Yangoon.
Hồi tháng 1, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết Nhật Bản sẽ thực hiện cam kết xóa nợ cho Myanmar và cấp thêm các khoản nợ mới.
Hồi tháng 4/2012, chính phủ Nhật Bản đã thông báo rằng nước này sẽ xóa khoản nợ 300 tỷ yên (3,6 tỷ USD) trong số nợ 500 tỷ yên (5,7 tỷ USD) sau khi Myanmar thực hiện một loạt cải cách chính trị quan trọng.