Nhật Bản: Hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang
Khi nền kinh tế hiện tại của Nhật Bản đang nỗ lực để phục hồi, số nhà bỏ trống ở các khu đô thị ngày càng tăng. Những ngôi nhà bị bỏ hoang này hiện đang gây khó khăn cho chính quyền nhiều thành phố và trở thành vấn đề trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, và vì vậy nhiều nơi đã bắt đầu hành động, cho tháo dỡ những ngôi nhà này.
Hầu hết các cư dân địa phương đều cho rằng những ngôi nhà hoang là "điểm thảm họa" và có thể gây mất an toàn. Một phụ nữ sống ở phía nam Quận Adachi, Tokyo, nơi có nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, cho biết, mái nhà bỏ hoang bên cạnh đã không được sửa sang trong nhiều năm. Cách đây không lâu, tấm lợp mạ kẽm của nó đã bị thổi bay và đập vào ngôi nhà của bà. Bà nói: "Chỉ cần có gió mạnh là tôi không thể ngủ được".
Một khu dân cư ở phía bắc quận này cũng có một tòa nhà bỏ hoang và được bọn trẻ gọi là "ngôi nhà ma". Chính quyền Adachi đã nhận được nhiều khiếu nại về việc có nhiều thanh niên vào đây để hút thuốc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, một ngọn lửa cũng đã làm cháy một phần của một ngôi nhà bỏ hoang ở Hachioji, phía tây Tokyo. Một người đàn ông sống bên cạnh cho biết: "Cỏ dại mọc um xùm xung quanh nhà. Không ai dám đến. Tôi lo lắng sẽ có sự cố tương tự vì có nhiều ngôi nhà trống khác trong khu vực này. "
Theo cuộc khảo sát “Nhà ở và Đất" 5 năm một lần của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, năm 2008, ở Nhật có khoảng hơn 7,5 triệu căn nhà không có người ở trên toàn quốc, chiếm 13,1%. Trong đó, số nhà hoang ở Tokyo năm 2008 là khoảng 190.000, tăng 60% so với năm 1998. Tỉnh Osaka có 180.000 nhà không người ở, tăng 70%.
Nhìn vào xu hướng của những ngôi nhà bị bỏ hoang, Hidetaka Yoneyama, một thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Fujitsu và là một chuyên gia về các vấn đề liên quan đến nhà bỏ hoang, cho hay nhiều ngôi nhà đã được xây dựng cách đây khoảng 50 năm, trong thời điểm kinh tế tăng trưởng mạnh từ giữa những năm 1950 đến đầu những năm 1970.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là quyền sở hữu tài sản quá phức tạp, đặc biệt là khi có nhiều người thừa kế. Và sau đó là những lý do đơn giản khác, chẳng hạn như những người thừa kế không có đủ khả năng sửa chữa ngôi nhà của mình.