Nhật Bản: Đầy rẫy tin đồn ma xuất hiện ở khu sóng thần
Nhật Bản: Đầy rẫy tin đồn ma xuất hiện ở khu sóng thần
![]() |
Một góc thành phố Ishinomaki vào tháng 4, 2011, một tháng sau thảm họa sóng thần - Nguồn: japan-guide.com |
Theo AFP, một dự án tái thiết đã phải dừng lại do lo sợ những linh hồn chưa siêu thoát sau khi mất tích do trận động đất sóng thần hồi tháng Ba năm ngoái sẽ đem lại điều không may mắn.
‘Tôi nghe rằng nhiều người đến sửa siêu thị đó đã bị ốm vì ma”, ông Satoshi Abe, 64 tuổi nói và chỉ về phía một siêu thị.
“Người chết có ở khắp nơi, ở chỗ này, ở chỗ kia. Thành phố bây giờ đầy những câu chuyện như vậy”, ông cho biết.
Ở một số nơi trong khu cảng cá náo nhiệt này, dấu hiệu của cuộc sống đã quay trở lại, nhà cửa đang được xây dựng lại, các công việc kinh doanh đã được tái khởi động và trẻ em đã quay trở lại trường học.
Chỉ tại riêng thành phố Ishinomaki nhỏ bé này, số người chết do sóng thần chiếm tới khoảng 1/5 trong số 19.000 người thiệt mạng do thảm họa đó. Với số người chết khoảng 3.800 người, người ta cho rằng thành phố này có thể không bao giờ trở lại bình thường như xưa.
Anh Shinichi Sasaki cho rằng ký ức về ngày 11/3/2011 chưa bao giờ dứt và chính kí ức dai dẳng đó đã tạo nên “những bóng ma”.
“Ký ức của ngày hôm đó vẫn luôn trở lại tâm trí của họ”, anh nói, “Nếu anh biết một người và người đó ra đi quá bất ngờ, anh sẽ cảm thấy họ vẫn còn đó. Tôi không tin có ma nhưng tôi có thể hiểu tại sao thành phố này lại có đầy những tin đồn như thế”.
Một lái xe taxi cho hay anh không muốn dừng lại ở những nơi trong thành phố bị sóng thần càn quét vì sợ khách hàng có thể là những bóng ma.
Một phụ nữ sống trong thành phố cho hay cô đã nghe các câu chuyện rằng người dân thấy rất nhiều người lao về phía đồi để chạy khỏi các con sóng, hình ảnh tái hiện những giây phút cuối cùng của cuộc đời họ.
![]() |
Một gia đình cầu khấn bên ngôi mộ của một nạn nhân của sóng thần – Nguồn: AFP |
Các chuyên gia tư vấn cho rằng tin đồn là điều khá bình thường sau một thảm kịch to lớn và nó là một phần trong quá trình hàn gắn vết thương từ thảm kịch đó.
Takeo Funabiki, nhà nhân chủng và văn hóa học, cho rằng những tin đồn về lực lượng siêu nhiên như thế là điều “tự nhiên” sau một thảm kịch như thế.
“Con người thấy rất khó có thể chấp nhận cái chết, dù cho con người đó mê tín hay có tư duy khoa học. Một cái chết bất ngờ hoặc bất thường, không phải do tuổi già là điều đặc biệt khó chấp nhận”, ông phân tích, “Khi có những điều về những người chết mà con người thấy khó có thể chấp nhận, họ sẽ tìm cách lí giải dưới dạng các tin đồn hay các câu chuyện mê tín. Điều cốt lõi của vấn đề này là những câu chuyện hay tin đồn chính là một cách thức có thể chia sẻ tâm lý với những người khác trong xã hội”.
Những thầy tu thần đạo đã được mời đến để cầu siêu cho những linh hồn, giúp họ có thể về thế giới bên kia trước khi người sống tìm ra nơi thi thể họ đang yên nghỉ.
Koji Ikeda, một bác sĩ chuyên khoa trị liệu, cho rằng “những người sống sót có cảm xúc rất phức tạp – sợ hãi, lo lắng, đau buồn hoặc khao khác người thân yêu của mình trở về”.
“Có lẽ khi con người ta không thể đối mặt với quá nhiều trạng thái cảm xúc như vậy thì sẽ có tình trạng “giải phóng” tinh thần”, ông nói, “cảm xúc bị dồn nén cần phải được thể hiện ra ngoài để con người có thể thích nghi với hiện thực mới và tiếp tục bước tiếp với nỗi đau của mình”.
Lê Dung