Nhật Bản: Cần tỉnh táo trước ý đồ “tuyên chiến” của Trung Quốc
Tham vọng bá vương
Theo tờ Nhật báo Yomiuri (Nhật Bản), chính phủ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu sẽ trở thành cường quốc hàng hải mạnh mẽ trên thế giới ngay trong năm nay. Đó là khi mà sức mạnh quân sự của Trung Quốc được tập trung phát triển, nước này sẽ bành trướng hơn và tham vọng hơn với chiến lược biến Biển Đông và biển Hoa Đông trở thành “biển của Trung Quốc”.
Quần đảo mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư |
Hiện nay, Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị hàng hải liên quan đến các lĩnh vực như phát triển nguồn tài nguyên đáy biển và thủy sản lên mức bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 sẽ gấp đôi năm 2010. Trung Quốc cũng có ý định đẩy mạnh phát triển và mở rộng các mỏ khí tự nhiên và các khu vực đánh cá ngoài khơi.
"Tham vọng này sẽ khiến cho những va chạm của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tăng lên trong tương lai", tờ Yomiuri bình luận.
Giám đốc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tuyên bố hồi đầu tháng 2 rằng Bắc Kinh sẽ đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào muốn xâm phạm đến lợi ích của nước này và đề cập đến Việt Nam, Philippines và Nhật Bản trong tuyên bố của mình.
Trung Quốc cũng đưa ra các thông báo sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku bất chấp việc này đang biến mối quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc dần trở nên lạnh nhạt và bị đẩy vào nguy cơ chiến tranh.
Bóng ma của chủ nghĩa yêu nước
Cũng trong bài viết của mình, tờ Yomiuri cho rằng hành vi tự xưng là công bằng của Trung Quốc đang bị lật mặt trong các hành động gây mất ổn định khu vực ở Đông Á và Đông Nam Á. Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi một cách mạnh mẽ sự kiềm chế của Bắc Kinh trong khi liên tục phải thông báo cho cộng đồng quốc tế về những hành động xấu của Trung Quốc.
Một điều đáng quan tâm hơn nữa chính là việc chính quyền của ông Tập Cận Bình đã đưa ra một chính sách củng cố giáo dục lòng yêu nước trong mối liên hệ với việc bảo vệ các lợi ích hàng hải.
Trong các bài học lịch sử hiện đại, Trung Quốc đã đưa vấn đề lực lượng hàng hải của Nhật Bản và các nước phương Tây vào Chiến tranh thuốc phiện ở thế kỷ 19. Trung Quốc muốn thông qua lịch sử để đề cao việc tăng cường lực lượng hải quân và nâng cao vị thế quốc gia về hàng hải. Các chương trình truyền hình nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước ở Trung Quốc trong thời gian tới chắc chắn cũng sẽ gia tăng.
Việc giáo dục lòng yêu nước của Trung Quốc trong những năm 1990 đã từng khơi dậy tình cảm chống Nhật, dẫn đến sự lây lan của các cuộc biểu tình và bạo loạn chống Nhật trong tháng 9/2012. “Phiên bản hàng hải của giáo dục yêu nước” có khả năng sẽ là một chỗ dựa tinh thần cho Chính phủ và Quân đội Trung Quốc có cớ để đưa ra những đường lối cứng rắn với các nước láng giềng nhằm đạt mục đích về lợi ích hàng hải của mình.
Nhật Bản cần phải tỉnh táo
Lực lượng Cảnh sát Biển Nhật Bản đang đuổi tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư |
Nguy cơ chiến tranh và xâm chiếm lãnh hải Nhật Bản đến từ Trung Quốc đến nay vẫn không phải là lựa chọn duy nhất để giải quyết mâu thuẫn. Nhật Bản cần phải đối phó với các vấn đề phát sinh một cách bình tĩnh. Đồng thời, Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản cũng cần được củng cố nhằm ngăn chặn những nỗ lực xâm phạm chủ quyền của nước này.
Vấn đề cốt lõi của những nỗ lực này là kế hoạch thành lập một lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ tuần tra và giám sát xung quanh quần đảo Senkaku ( Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Nhật Bản đã kêu gọi một kế hoạch triển khai 12 tàu tuần tra lớn trong vòng 3 năm tới.
Hiện tại, Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản không thể dừng các hoạt động tuần tra trên khắp nước này chỉ để tăng cường bảo vệ các vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Việc thiết lập một lực lượng đặc nhiệm sẽ không cản trở hoạt động thường xuyên của Lực lượng Cảnh sát Biển Nhật Bản, và đóng góp đáng kể vào việc duy trì một hệ thống tuần tra dài hạn.
Nhật Bản cũng cần giữ hợp tác với Mỹ và các nước khác trong việc giữ chủ quyền các vùng biển của mình trước giả định rằng Trung Quốc sẽ tăng cường chiến lược biển, bành trướng lực lượng trong khu vực.