Nhật Bản bỏ tiếp lệnh cấm nghiên cứu quân sự, thúc đẩy năng lực quân đội
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản cần sử dụng các nhà khoa học giỏi nhất để tăng cường khả năng quân sự.
Kể từ sau Thế chiến II, các viện nghiên cứu, trường đại học Nhật Bản cấm hoàn toàn việc nghiên cứu quân sự mặc dù không bị quy là bất hợp pháp.
Hiện nhiều giáo sư, nhiều trường đại học và các cơ quan khoa học tỏ ra rất đồng tình với sự thay đổi trên.
Theo dự kiến, vài tuần tới quốc hội Nhật Bản sẽ phê duyệt ngân sách đầu tư đầu tiên từ ngân sách quốc phòng cho các trường đại học kể từ sau Thế chiến II.
Mỹ hy vọng sẽ hưởng lợi từ các nghiên cứu quân sự của Nhật Bản. |
Mặc dù số tiền đầu tư lần này chỉ khoảng 300 triệu yên (2,5 triệu USD), nhưng đối với ông Satoru Ikeuchi, một giáo sư về vật lý thiên văn tại Đại học Nagoya, thì nó là một động thái vượt quá những giới hạn cho phép.
Trong khi đó, những người ủng hộ ông Abe cho rằng, các ý kiến phản đối như của vị giáo sư trên là sản phẩm của một thời đại đã qua và ngày càng lạc hậu khi Nhật Bản đang với đối mặt với thách thức quân sự ngày càng lớn từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Động thái trên lại một lần nữa cho thấy quyết tâm gỡ bỏ những hạn chế đối với quân đội Nhật Bản bị áp đặt sau Thế chiến II.
Hồi năm ngoái, nội các của ông Abe đã điều chỉnh lại hiến pháp để cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hỗ trợ các đồng minh bị tấn công, đồng thời nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Ông Masahisa Sato, một nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền nói: "Nhật Bản không thể giải quyết các nhu cầu an ninh nếu không có công nghệ hiện đại. Nhật Bản cần sự hợp tác sâu rộng giữa chính phủ, các trường đại học và ngành công nghiệp quân sự".
Một quả cầu bay của Viện Nghiên cứu và Phát triển kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. |
Ông Sato cho biết đang vận động Bộ Giáo dục thuyết phục các trường đại học loại bỏ những hạn chế đối với nghiên cứu quân sự, đặc biệt trong bối cảnh nguồn ngân sách chung của chính phủ dành cho các trường đại học đang bị giảm.
Các quan chức quân sự Mỹ rất hoan nghênh động thái trên. Họ hy vọng có thể sớm hưởng lợi từ khả năng của Nhật Bản trong việc tạo ra các thiết bị điện tử và robot cho quân đội.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho hay, Nhật Bản có khả năng rất cao về phần cứng robot còn Mỹ thì mạnh về phần mềm. Nhưng những hạn chế về nghiên cứu của Nhật Bản đã hạn chế cả khả năng của Mỹ.
Ông Gill Pratt, quản lý chương trình nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DARPA) của Mỹ cho hay: “Mối quan hệ hợp tác Mỹ - Nhật ở những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như ứng phó thiên tai và an ninh quốc gia sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước”.
Các nhà sản xuất vũ khí Nhật Bản hoan nghênh chính sách mới và khẳng định, động thái này sẽ giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh của họ.
Ông Satoshi Tsuzukibashi, chủ tịch Ủy ban sản xuất quốc phòng của Liên đoàn các Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) nói: "Nhật Bản là một đất nước thanh bình, nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, đất nước này đang quá yên bình".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.